“Quyết tâm không để phát sinh những vụ việc phá rừng”
(BĐ) - Đó là cam kết của các chủ rừng, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng với Chủ tịch UBND huyện An Lão sau cuộc họp về tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng vừa được UBND huyện này tổ chức vào sáng 11.9.
Vụ phá rừng tại tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão) được đánh giá là vụ phá rừng nghiêm trọng nhất từ trước tới nay ở tỉnh ta. Trong ảnh: Một cây gỗ có đường kính thân hơn 40cm bị cưa hạ ở khoảnh 8, tiểu khu 1.
Qua cuộc họp này, Chủ tịch UBND huyện An Lão Phạm Văn Nam yêu cầu lực lượng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cùng UBND các xã, thị trấn tập trung quản lý, đẩy mạnh việc tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng trên toàn địa bàn, ngăn ngừa, không để phát sinh những vụ việc phá rừng như đã xảy ra tại tiểu khu 1, xã An Hưng. Đồng thời, Chủ tịch UBND huyện đề nghị chủ rừng, lực lượng chức năng có liên quan phải nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc điều hành, chỉ đạo và phối hợp thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng khi để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 1, xã An Hưng.
Đánh giá về hậu quả vụ phá 43,7 ha rừng ở xã An Hưng, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho rằng, đây là vụ phá rừng rất lớn. Để xảy ra việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng, các cơ quan chức năng và UBND huyện chúng tôi. Vụ phá rừng này cũng cho thấy, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn cũng còn nhiều bất cập, yếu kém. Quan điểm của huyện sẽ tập trung chỉ đạo, điều tra, xác định đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.
Báo cáo từ An Lão lưu ý khá rõ điều kiện tiếp cận khác biệt ở vùng rừng giáp ranh này: Từ trung tâm xã An Hưng lên, đường dốc rất hiểm trở, khúc khuỷu còn từ Hoài Sơn tới thì gần hơn, có thể đi bằng xe máy hoặc ôtô theo con đường đất mà chính lâm tặc đã mở. Dư luận đặt dấu hỏi có chăng khâu phối hợp bảo vệ rừng giáp ranh giữa 2 địa phương có vấn đề; lực lượng Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn chưa thể hiện được trách nhiệm trong công tác chốt chặn, bởi từ xã Hoài Sơn, xe ô tô, gắn máy có thể tiếp cận được khu vực phá rừng.
Trước thông tin này, chiều 11.9, ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó Hạt phụ trách Hạt kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, cho biết: Sau khi có ý kiến cho rằng, gỗ sau khi bị đốn hạ ở tiểu khu 1, xã An Hưng được vận chuyển qua xã Hoài Sơn để đưa về xuôi tiêu thụ. Tôi đã chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm đi kiểm tra thực tế hiện trường, địa bàn tiếp cận ở địa điểm này. Bước đầu nhận định, ở tiểu khu 1, xã An Hưng có một con đường đất rộng chừng 5m xuôi về xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi); cách đó không xa, ở nơi này cũng có đường đi về hướng của huyện Ba Tơ hoặc về xã Hoài Sơn. Tuy nhiên, đối với đường về Hoài Sơn, Hạt Kiểm lâm chúng tôi có bố trí điểm chốt chặn tại thôn La Vuông. Cán bộ ở đây trực canh thường xuyên, nên gỗ có đưa xuống là Kiểm lâm phát hiện, bắt giữ ngay. “Rừng bị phá nằm ở phía An Lão, cán bộ bên này không thông thuộc đường đi. Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm 2 huyện đang tích cực phối hợp để điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm”, ông Tấn nói thêm.
TRỌNG LỢI
Phá xong rồi mới quyết, hoan hô các đồng chí kiểm lâm.