Về việc tu bổ, tôn tạo di tích Lê Ðại Cang: Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai
Lê Ðại Cang (1771 - 1847) quê ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, là một danh nhân văn võ song toàn thời Nguyễn, có nhiều đóng góp cho đất nước đã được lịch sử ghi nhận. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị công trình di tích Lê Ðại Cang cần được ngành văn hóa Bình Ðịnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ triển khai.
1. Đầu năm 2013, UBND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và Viện Sử học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ”, thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu có tên tuổi trong cả nước.
Di tích lịch sử mộ Lê Đại Cang đang xuống cấp.
Qua Hội thảo, nhiều nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, toàn diện về công lao to lớn của Lê Đại Cang là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh có quyết định xếp hạng di tích lịch sử mộ Lê Đại Cang (thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) vào ngày 27.9.2013.
Theo PGS.TS Nguyễn Phương Chi, Viện Sử học Việt Nam: “Lê Đại Cang là nhân vật rất đặc biệt, được Đại Nam thực lục - bộ chính sử triều Nguyễn ghi chép trong 6 tập với một dung lượng số trang rất lớn. Sự phong phú về tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp với những thăng trầm khó tưởng đã nói lên tầm vóc của Lê Đại Cang trong lịch sử Việt Nam thời nhà Nguyễn”.
Đến tháng 5.2016, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lê Đại Cang với mục tiêu: “Thu hút khách du lịch gần xa, giúp các thế hệ con cháu hiểu biết thêm về lịch sử, về một đại danh thần có nhiều công trạng, một danh nhân tiêu biểu của quê hương Bình Định”.
2. Mới đây, chúng tôi đến viếng di tích mộ Lê Đại Cang và thấy khung cảnh xung quanh ngôi mộ vẫn không có gì đổi thay nhiều so với lần chúng tôi tìm đến cách đây khoảng 6 năm.
Điểm mới là tấm bia di tích bằng đá granite nổi bật giữa khu mộ cũ kỹ, trên bia ghi những dòng chữ trang trọng: “Nơi yên nghỉ danh thần Lê Đại Cang, bậc quốc sĩ văn võ tài toàn, có nhiều cống hiến to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước dưới 3 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị; nhiều năm phục vụ nha đê chính, chủ khảo trường thi hương Bắc thành, từng cầm binh dẹp loạn Chân Lạp, đánh đuổi quân Xiêm La… Ở vị trí nào, trong hoàn cảnh nào, ông cũng nêu tấm gương sáng của một kẻ sĩ luôn tận tụy vì dân, vì nước”.
Được biết, sau khi UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lê Đại Cang, Sở VH-TT đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành các bước hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo quy định để triển khai dự án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm so yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Cách đây hơn nửa tháng, Sở VH-TT đã tổ chức cuộc họp với các bên liên quan để thông qua phương án quy hoạch chi tiết công trình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Lê Đại Cang, để trình UBND tỉnh xem xét. Việc này cần tiến hành khẩn trương hơn để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án…”.
HOÀI THU