Một góc nhìn khác về văn của Nguyễn Ái Quốc
“Theo Chân và Văn Nguyễn Ái Quốc” tập hợp 2 tiểu luận ngắn của Lê Chí Dũng nghiên cứu về cuộc đời và những sáng tác văn chương bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017). Trong 178 trang in khổ nhỏ, tác giả đã đặt cái nhìn mới khi “theo chân” để soi chiếu hoạt động của người thanh niên yêu nước trong hành trình phát triển từ Nguyễn Tất Thành đến Nguyễn Ái Quốc.
Khẳng định tình yêu nước của Nguyễn Ái Quốc với tinh thần khai phóng, với suy nghĩ vượt lên các quan niệm đương thời, Lê Chí Dũng chỉ cho người đọc thấy rõ, rằng con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc lựa chọn là sáng tạo, phù hợp với dân tộc Việt Nam, với hoàn cảnh lịch sử bấy giờ. Khi đặt cách nghĩ, tìm tòi và khát vọng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc trong tương quan với con đường cứu nước mà các chí sĩ yêu nước cha anh đã đi như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh…, Lê Chí Dũng cho ta thấy tầm vóc lớn lao trong tư tưởng của người thanh niên này.
Phần nghiên cứu về những sáng tác văn chương bằng tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc là một cách tiếp cận, một hướng nghiên cứu khá mới. Lâu nay các nhà khoa học và cả người đọc thường quan tâm và nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của Hồ Chí Minh qua thơ là chính. Và chủ yếu tập trung ở tác phẩm Nhật ký trong tù. Đây thật sự là một tác phẩm lớn. Nhưng văn nghiệp của Hồ Chí Minh không chỉ có vậy, thậm chí các sáng tác văn xuôi của Hồ Chí Minh trong thời gian ở Pháp gần như ít được nghiên cứu, khảo tả, trừ một vài bài báo Hồ Chí Minh viết trên báo Người cùng khổ và tác phẩm Đường Kách mệnh.
Nguyễn Ái Quốc trong những năm 1920 viết văn chính luận, truyện ngắn, ký và tiểu phẩm báo chí bằng tiếng Pháp, in trên các báo ở Paris. Những văn phẩm này của Nguyễn Ái Quốc theo các chuyến tàu từ Pháp về Việt Nam, lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp và đến với các nước thuộc địa và phụ thuộc khác của chủ nghĩa thực dân.
Có thể nói, những sáng tác văn chương ấy của Nguyễn Ái Quốc đã đặt nền móng cho sự hiện đại hóa văn học Việt Nam theo hình ảnh của giai cấp vô sản và chắc chắn đã góp phần xây dựng nền văn học cách mạng ở các nước từng là thuộc địa và phụ thuộc của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Viết văn bằng tiếng Pháp, Nguyễn Ái Quốc hướng sự tuyên truyền, vận động và tổ chức cách mạng vào quần chúng nhân dân đông đảo, nhưng thông qua những trí thức biết tiếng Pháp, thích văn học Pháp.
Ð.A
Xin vui lòng cho đăng một văn bản nào mà Hồ chí Minh viết bằng tiếng Pháp. Cám ơn!