AN TOÀN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ:
Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ từ các cơ sở sản xuất viên nén sinh học
Từ tháng 12.2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ cháy tại các công ty sản xuất mùn cưa, viên nén sinh học (chiếm 5,5% trên tổng số các vụ cháy), thiệt hại về tài sản ước tính trên 18,5 tỉ đồng.
Gần đây nhất, lúc 18 giờ 30 phút ngày 19.5.2017, đã xảy ra cháy tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Năng lượng xanh, ở thôn Ngọc Thạnh 2, xã Phước An, huyện Tuy Phước. Đám cháy bắt nguồn từ tủ điện điều khiển máy nghiền gỗ, cháy lan sang khu vực kho chứa thành phẩm, tổng thiệt hại về tài sản gần 400 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do chập điện tủ điều khiển hệ thống máy ép dẫn đến cháy.
Để nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, công tác kiểm tra, xử lý phải được tiến hành thường xuyên.
- Trong ảnh: Kiểm tra an toàn PCCC tại kho nguyên liệu một cơ sở sản xuất viên nén sinh học.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất viên nén sinh học. Cảnh sát PC và CC tỉnh đã tiến hành kiểm tra 9 cơ sở, qua đó kiến nghị 36 vấn đề tồn tại trong công tác PCCC. Trong đó, một số cơ sở chưa tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn PCCC như không định kỳ thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh công nghiệp các thiết bị điện, thiết bị máy móc, phương tiện, hệ thống PCCC; lực lượng chữa cháy cơ sở chưa được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC; cơ sở đi vào hoạt động sản xuất nhưng phần lớn chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC theo quy định… Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở các cơ sở kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót; đồng thời hướng dẫn thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình sản xuất, đặc biệt là công đoạn băm gỗ, nghiền thô, nghiền tinh và sấy khô… là những nơi dễ phát sinh sự cố cháy, nổ.
Thời gian tới, để nâng cao công tác PCCC tại các cơ sở sản xuất viên nén sinh học, Cảnh sát PC và CC tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến lãnh đạo và công nhân các cơ sở Luật PCCC; chỉ đạo các phòng Cảnh sát PC và CC khu vực đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những sai sót trong công tác PCCC đối với các cơ sở này; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho cơ sở.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn PCCC, giảm thiệt hại về người và tài sản do cháy nổ gây ra, các chủ cơ sở cần nâng cao ý thức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; trang bị đầy đủ kiến thức, phương tiện về PCCC. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh các trang thiết bị máy móc và vệ sinh công nghiệp, kiểm tra hệ thống thông gió, hút bụi tại khu vực nhà kho, nhà xưởng. Đồng thời, duy trì lực lượng PCCC cơ sở, củng cố hồ sơ theo dõi công tác PCCC; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định; tăng cường công tác tự kiểm tra an toàn PCCC; trang bị, lắp đặt các hệ thống, phương tiện PCCC đầy đủ theo quy định.
Với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, năng lực của lực lượng PCCC cơ sở là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định giảm thiểu thiệt hại do cháy gây ra.
THU HÀ