Doanh nghiệp đồng hành cùng người hoàn lương
Với suy nghĩ ai cũng có thể sai lầm, vấp ngã, nhưng nếu có cơ hội và lòng tin để hướng thiện, những người từng phạm tội sẽ vươn lên sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Vậy nên, một số cá nhân, doanh nghiệp đã và đang nỗ lực giúp người hoàn lương có công việc ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Hãy tìm chúng tôi khi bạn “trở về”
Là thông điệp của một số cá nhân, công ty, doanh nghiệp đã và đang chào đón những người hoàn lương đến làm việc để ổn định cuộc sống sau khi ra tù. Điển hình như Công ty TNHH cơ khí xây dựng quảng cáo Dương Gia (TP Quy Nhơn), từ ngày thành lập đến nay, công ty đã tiếp nhận trên chục trường hợp là người vừa mãn hạn tù trở về. Đơn cử như anh N.T.H (huyện Phù Mỹ) đang làm việc tại Công ty Dương Gia chia sẻ: “Ngoài ý chí của bản thân, được tạo cơ hội việc làm là vấn đề mấu chốt để những người từng phạm tội như tôi làm lại cuộc đời một cách tích cực nhất”.
Lễ ký kết tạo việc làm cho các phạm nhân sau khi hoàn thành án phạt tù giữa Trại giam Kim Sơn và Công ty TNHH An Phúc Thịnh.
Đồng hành cùng Trại giam Kim Sơn được 6 năm, Công ty TNHH An Phúc Thịnh (Phù Cát, chuyên sản xuất cung cấp các loại bàn ghế, giường, thùng, tủ bằng nhựa giả mây cao cấp) là một trong những doanh nghiệp năng nổ trong việc chung tay cùng cộng đồng, xã hội hỗ trợ người hoàn lương ổn định cuộc sống bằng tạo việc làm. Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc công ty, chia sẻ: “Có nhiều lý do để người ta phạm tội và tất cả đã chịu tội trước pháp luật. Dù cải tạo, họ cũng cần có công việc, nghề nghiệp để sau này trở về còn sinh kế. Đó là lý do chúng tôi phối hợp với Trại làm gia công hàng cho công ty”.
Cần sự chung tay
Đã và đang có nhiều cá nhân, đơn vị chung tay hỗ trợ người hoàn lương tự tin làm lại cuộc đời. Như chia sẻ của anh Trần Văn Hòa (thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) đang kinh doanh xưởng mộc: “Tôi muốn thông qua các kênh, mời gọi những người hoàn lương nếu yêu thích nghề mộc hãy đến xưởng của tôi làm việc”.
Người hoàn lương đang có việc làm ổn định tại Công ty TNHH cơ khí xây dựng quảng cáo Dương Gia.
Hiện nay, một số người sau khi mãn hạn tù đã về làm trang trại hay mở xưởng, đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống của cá nhân và gia đình, ngoài ra còn giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ như những trường hợp nêu trên nhưng chưa được nhiều, chủ yếu ở quy mô nhỏ. Trong khi đó, đối với những người hoàn lương, thiết thực nhất là được hỗ trợ về vốn, tay nghề, kinh nghiệm sản xuất để họ có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.
“Trong thời gian phạm nhân chấp hành án, chúng tôi cũng đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đào tạo nghề cho họ. Vấn đề chính là khi họ trở về ngoài sự động viên của gia đình, nghị lực của bản thân, cần lắm nhưng tấm lòng nhân ái giúp họ có công việc làm ổn định để đảm bảo cuộc sống”, đại tá Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám thị Trại giam Kim Sơn, chia sẻ.
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những người đã chấp hành xong án phạt tù là một nhiệm vụ rất khó khăn và cần phải được làm tốt hơn để đạt hiệu quả cao hơn. Muốn vậy, phải có sự chung tay của cộng đồng và các ngành chức năng trong việc hoạch định một kế hoạch dài hơi với những đề án, dự án tạo việc làm có đầu tư kinh phí để giúp đỡ cho đối tượng này.
KIỀU ANH