Ðiểm tựa tình thương
Anh Dương Toàn Thắng (37 tuổi, ở đội 6, thôn Lương Bình, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước) và em gái Dương Thị Thúy Hằng (25 tuổi) đều bị ảnh hưởng chất độc da cam làm vóc người thấp, dị tật ở chân. Mất cả cha lẫn mẹ, họ nương tựa nhau, vượt qua khó khăn bằng tình thương nhẫn nại, niềm lạc quan với cuộc sống.
Tháng 8 vừa qua, anh Dương Toàn Thắng là đại biểu đại diện cho tỉnh Bình Định dự Hội nghị biểu dương người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam tiêu biểu toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội.
Kiên cường tự lập
Dù khiếm khuyết về cơ thể từ lúc sinh ra, hoàn cảnh gia đình chật vật, song cả Thắng và Hằng đều may mắn được sống trong tình thương của cha mẹ. Rồi cha mất năm 2003. Năm năm sau - năm 2008, mẹ mất đột ngột vì căn bệnh ung thư máu, hai anh em rơi vào hố sâu của hụt hẫng và đau khổ.
Hai anh em Thắng, Hằng bên mâm cơm đơn sơ cùng những người cháu họ.
“Tôi nhớ mãi ngày mẹ mất, Hằng ngồi cạnh mẹ khóc cho đến khi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, nó tiếp tục khóc, rồi lại xỉu. Ngày đưa mẹ đi chôn cất, nó còn lao xuống mộ, gào khóc. Người ta kéo nó ra khỏi mộ được thì nó đã ngất đi lần nữa”, anh Thắng kể.
Một năm sau đó, hai anh em Thắng và Hằng theo dì về quê ngoại ở tỉnh Quảng Ngãi để tiện cho dì chăm sóc, dỗ dành. Vết thương lòng dần nguôi ngoai cũng là lúc, người dì ruột duy nhất quyết định để các cháu trở về quê nhà. Lời dì dặn mãi in vào tâm trí của anh em Thắng, rằng: “Phải sống tự lập. Hai anh em cùng yêu thương, nương tựa vào nhau mà sống. Nếu lại dựa vào dì, đến khi dì mất đi, hai đứa chẳng còn ai để dựa vào, để giúp đỡ. Lúc đó, dì không yên lòng, cũng phụ luôn lời hứa với mẹ của hai đứa là nuôi dạy hai đứa sao cho biết cách sống, nhất là phải sống thật vui vẻ, lạc quan”, Hằng thuật lại.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Trở về ngôi nhà nhỏ do cha mẹ để lại, hai anh em lo lắng, sợ sệt. 10 ngày liền, hai anh em năn nỉ một bà cô họ đến ngủ cùng buổi tối cho đỡ sợ. Đến đêm thứ 11 mới dám ở nhà mà không cần đến người lớn. Anh em tựa vào nhau, chống chọi với đêm tối, với mưa giông hoặc những khi đau ốm, bệnh tật.
Rồi chuyện cơm nước, chợ búa. Vốn có đôi chân yếu, hai anh em chỉ có thể ra quán gần nhà sắm những thứ cơ bản như rau, trứng, đậu miếng..., tự chế biến theo cách mà dì đã hướng dẫn trước đó. Bữa cơm đơn sơ, đạm bạc của họ dần dần cũng dễ coi, tươm tất hơn khi Hằng bước qua tuổi 18, 20. Đến bây giờ, Hằng còn biết chuẩn bị món cho những ngày giỗ, chạp. Trong khi đó, người dì ruột, dù tuổi đã cao thỉnh thoảng vẫn tranh thủ vào thăm cháu, giúp thay mới lại vật dụng đã cũ, sửa sang lại những vị trí xuống cấp của ngôi nhà.
Hiện nay, cùng với khoản trợ cấp 850 ngàn đồng/người/tháng, hai anh em Thắng, Hằng còn nhận đan lát sợi nhựa giả mây để kiếm thêm thu nhập. Tháng nào hàng hóa nhiều, nỗ lực đan, Thắng, Hằng kiếm về được khoảng 700 ngàn đồng/người. Gặp tháng có nguồn hàng ít, họ chỉ kiếm được 200 ngàn đồng/người. Cộng 6 sào ruộng do cha mẹ để lại đem cho mướn lấy lúa, anh em Thắng không lo đói.
“Chỉ sợ nhất là đau bệnh nặng, phải nhập viện. Nếu vậy, sẽ rất vất vả vì anh em mình không đi lại cứng cáp như người ta. Chưa kể, nếu BHYT không chi trả được thì hai anh em đành nằm nhà chịu bệnh hành hạ”, anh Thắng lo xa tâm sự.
Mỉm cười với cuộc sống
Không như mong muốn của đấng sinh thành từng gửi gắm qua cái tên, anh Toàn Thắng tự nhận “cuộc đời mình toàn thua”; Thúy Hằng cũng ngại ngần khi đề cập đến ngoại hình của bản thân. Thế nhưng, cả hai anh em đều sở hữu nụ cười rạng rỡ, dễ mến, đủ chân thật để làm những người xung quanh cảm thấy gần gũi, yêu mến, tin cậy.
Từng nghe họ kể về những kẻ xấu, lợi dụng sức khỏe của hai anh em để bắt trộm gà hoặc lấy trộm vài vật dụng trong nhà, tôi bất ngờ trước sự niềm nở của họ dành cho người lạ như tôi. Lý giải điều này, chị Hằng cho biết: “Hai anh em không giàu có, không có nhiều thứ để mất. Người xấu muốn lợi dụng, chắc sẽ chọn người có của hơn nhà mình. Vậy nên, hai anh em đều gần gũi, vui vẻ với những người xung quanh. Một năm nay, thường xuyên đến chùa để học những đạo lý tốt đẹp ở đời, tôi càng hiểu: muốn được yêu thương, trước hết phải học cách yêu thương mọi người”.
Ở độ tuổi có thể lập gia đình, song Thắng và Hằng đều tỉnh táo nhìn nhận về hoàn cảnh của mình. Họ bảo: chắc chẳng ai chịu lấy đâu. Bởi, nỗi lo lắng con cái có thể phải hứng chịu di chứng chiến tranh đã xâm chiếm tâm trí, cản trở tình cảm ngay từ lúc chúng vừa nhen nhóm. Khi nói về hiện thực tàn nhẫn ấy, họ vẫn mỉm cười và ngay lập tức xoa dịu chính mình bằng cách nhìn sang người anh em ruột thịt.
Cuộc sống của họ vẫn đơn giản, đôi khi ngây ngô và thơ trẻ. Như cái khoảnh khắc chiều nay, tôi thấy họ trò chuyện với những đứa cháu họ trong xóm, nghịch ngợm đùa giỡn trước thềm nhà.
NGUYỄN MUỘI