Khẩn trương vào cuộc, điều tra, xử lý nghiêm đối tượng phá rừng
Ðó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh, sau khi dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh trực tiếp đi kiểm tra hiện trường 43,7 ha rừng bị chặt phá ở tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão), vào sáng 12.9.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng (bìa trái, hàng đầu) cùng đoàn công tác Tỉnh ủy trực tiếp kiểm tra hiện trường 43,7 ha rừng ở xã An Hưng (huyện An Lão) bị phá.
Vụ phá rừng nghiêm trọng
Theo chân đoàn công tác, PV Báo Bình Định đã tiếp cận hiện trường vụ phá rừng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh ta. Ở đây dễ dàng nhìn thấy cả 2 khoảnh rừng 7 và 8, thuộc tiểu khu 1, rộng hàng ngàn mét vuông trở nên trống hoác. Dù được quy hoạch chức năng phòng hộ, chức năng sản xuất, là rừng phục hồi sau nương rẫy, song không khó để thấy có nhiều cây gỗ có đường kính khá lớn bị đốn hạ không thương tiếc.
Sau khi trực tiếp thị sát tình hình phá rừng ở đây, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã đặt câu hỏi chất vấn trách nhiệm đối với ông Đinh Văn Chê, Chủ tịch UBND xã An Hưng, khi phát hiện vụ phá rừng quá muộn. “Họ cất lán trại sinh hoạt và phá hơn 43 ha rừng trong thời gian dài mà tại sao quản lý rừng không biết?”. Ông Đinh Văn Chê giãi bày: “Đầu tháng 7.2017, lực lượng chức năng tổ chức cắm mốc phân định 3 loại rừng tại tiểu khu 1 thì chưa có hiện tượng xâm hại rừng xảy ra, nên cán bộ bảo vệ rừng đi tuần tra ở các tiểu khu khác. Khu vực rừng bị phá nằm ở địa hình quá hiểm trở. Trong khi đó, từ trung tâm xã đi đến hiện trường phải mất gần 1 ngày đi bộ nên gặp nhiều khó khăn. Đến khi kiểm lâm địa bàn báo thì xã mới biết”.
Hiện trường vụ phá rừng ở tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão).
Trao đổi với báo chí tại hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Khu vực rừng bị phá nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Định - Quảng Ngãi và rất xa trung tâm của huyện, xã nên việc quản lý, phát hiện không kịp thời. Mục đích phá rừng của các đối tượng là trồng keo để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng họ chỉ thấy lợi ích trước mắt của cá nhân mà chưa nghĩ đến việc giữ rừng là giữ gìn môi trường sống của cộng đồng. Việc chặt cây rất to đi trồng cây rất nhỏ là điều vô lý. Bà con chưa ý thức được việc giữ rừng”.
Ðiều tra, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm
Đáng chú ý, tại buổi làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, sau chuyến đi kiểm tra thực tế ở hiện trường, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, thông tin: “Vào chiều 11.9, Đội kiểm lâm cơ động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn đã phát hiện tại xưởng sản xuất của một hộ dân ở xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) có một lô gỗ, trong đó, có nhiều loại cây gỗ giống y như cây trong rừng bị phá. Ngày 12.9, lực lượng chức năng đã lập biên bản, cố gắng đưa hết số gỗ này về Chi cục Kiểm lâm để xác minh, làm rõ; đây là cơ sở để Sở NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng xác định thủ phạm.
Nhìn vào con đường lâm tặc mở vào khu rừng, cây rừng bị cưa hạ rầm rộ như vậy, ông Phan Trọng Hổ nhìn nhận: “Không có cá nhân hay hộ gia đình nào có khả năng phá rừng như vậy. Phá ồ ạt kiểu này, chỉ doanh nghiệp mới làm được. Chúng tôi đã tiếp nhận một số thông tin có giá trị từ phía người dân, phục vụ công việc xác minh”.
Theo Sở NN&PTNT, sáng 12.9, Trung tâm quy hoạch Nông nghiệp-Nông thôn tỉnh đã tổ chức giám định thiệt hại, hiện trường vụ phá rừng. “Chúng tôi yêu cầu thống kê đầy đủ, đánh giá chi tiết. Làm kỹ và khẩn trương. Quá trình này dự kiến mất khoảng hai ngày. Sau khi có kết quả, Hạt Kiểm lâm huyện An Lão phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm tỉnh hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh điều tra tìm thủ phạm, xử lý nghiêm các đối tượng phá hoại tài nguyên rừng”, ông Hổ nói.
Đại tá Nguyễn An Ninh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, nói rằng: “Vụ việc thuộc thẩm quyền Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, tuy nhiên do tính chất nghiêm trọng và phức tạp, nên Công an tỉnh đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh trực tiếp thụ lý, khởi tố vụ án, sau đó chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh”.
Trước vụ phá rừng nghiêm trọng này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng đã yêu cầu các cơ quan tố tụng của tỉnh, gồm: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát phải khẩn trương vào cuộc. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các đối tượng vi phạm, kể cả những đối tượng trực tiếp hủy hoại, chặt phá rừng và các đối tượng chủ mưu, đối tượng đứng phía sau thuê mướn đều phải làm rõ để đưa ra truy tố, xét xử.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng cũng đề nghị Sở NN&PTNT chỉ đạo, kiểm điểm nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức có liên quan; đồng thời, yêu cầu Huyện ủy An Lão chỉ đạo kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan từ cấp huyện cho đến cấp xã đã để xảy ra tình trạng phá hoại rừng trên địa bàn huyện. Các cơ quan chức năng phải vào cuộc khẩn trương, làm rõ vụ việc để báo cáo kết quả cho Thủ tướng Chính phủ.
“ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát phải khẩn trương vào cuộc. Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các đối tượng vi phạm, kể cả những đối tượng trực tiếp hủy hoại, chặt phá rừng và các đối tượng chủ mưu, đối tượng đứng phía sau thuê mướn đều phải làm rõ để đưa ra truy tố, xét xử ”
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng
TRỌNG LỢI