Triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó với bão số 10
(BĐ)- Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó cơn bão số 10. Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Thanh và thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh triển khai công tác ứng phó cơn bão số 10
Theo Ban chỉ đạo PCTT&TKCN Trung ương, ngày 15.10 bão số 10 sẽ độ bộ vào biển Đông, hướng di chuyển vào khu vực Bắc Trung bộ. Đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, tầm ảnh hưởng rộng. Cấp độ rủi ro thiên tai của bão từ vùng biển Nghệ An- Quảng trị cấp 4, vùng biển ven bờ các khu vực khác cấp 3. Từ ngày 14-16.9, các tỉnh Thanh Hóa- Quảng Ngãi có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 100-300 mm/đợt. Đáng lo ngại là có trên 4.000 tàu thuyền của ngư dân đang hoạt động khai thác thủy sản ở vùng nguy hiểm (tỉnh ta có khoảng 580 tàu hoạt động ở khu vực biển thuộc quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa). Ban chỉ huy PCTT&TKCN Trung ương đề nghị các tỉnh thành phố, nhất là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó với cơn bão số 10, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Báo cáo từ điểm cầu tại các địa phương cho thấy, công tác ứng phó với cơn bão số 10 đã được triển khai một cách khẩn trương. Riêng tại tỉnh ta, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã kiểm tra, xác định số lượng tàu thuyền tại địa phương và tàu thuyền trên các vùng biển; đồng thời liên lạc, thông báo cho ngư dân biết diễn biến của bão để di chuyển tàu cá ra khỏi vùng bị ảnh hưởng. Đến sáng 14.9, toàn tỉnh có 3.055 tàu/18.249 người đang động ven bờ trong tỉnh và neo đậu tại bến; khu vực biển từ Thừa Thiên Huế đến Hải Phòng có 152 tàu/1.368 người; từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng có 356 tàu/3.118 người; từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.670 tàu/12.956 người; khu vực quần đảo Hoàng Sa có 140 tàu/837 người; khu vực biển giữa quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa có 470 tàu/3.290 người; khu vực quần đảo Trường Sa có 611 tàu/4.717 người. Các tàu cá của ngư dân đã biết thông tin về bão số 10 và đang di chuyển ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của bão. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm; đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy lợi…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi diễn biến bão số 10 và cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các Bộ, ngành và các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó. Các bộ: NN&PTNT, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương, Y tế… tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhanh chóng triển khai công tác ứng phó với bão số 10 và chủ động chuẩn bị các biện pháp khắc phục thiên tai. Các tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa- Quảng Ngãi cần triển khai cấp bách phương án ứng phó với bão số 10 theo phương châm 4 tại chỗ, trong đó tập trung di dời các hộ dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống thủy lợi. Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình về bão, thông báo tàu thuyền di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm đếm, cấm tàu thuyền không được ra khơi khi thời tiết nguy hiểm; bố trí sắp xếp an toàn cho tàu thuyền tại các nơi neo đậu, tuyệt đối không để người dân ở lại trên tàu, trên các lồng bè, công trình chất lượng kém. Đảm bảo vật tư, lương thực, thuốc y tế để cung cấp cho nhân dân
T.SỸ