Tạm dừng cấp phép khai thác du lịch vùng lõi Khu bảo tồn biển Phú Quốc
Tỉnh Kiên Giang tạm dừng việc xem xét giao diện tích các đảo, mặt nước biển thuộc phạm vi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (vùng lõi) Khu bảo tồn biển Phú Quốc cho các tổ chức, cá nhân để triển khai hoạt động du lịch.
Nhằm ổn định, hài hòa, bảo tồn thiên nhiên Khu bảo tồn biển Phú Quốc bền vững trong điều kiện đang phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch, tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý Khu bảo tồn này.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND huyện Phú Quốc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý khu bảo tồn biển quy định tại Luật Thủy sản năm 2003, Nghị định số 57/2008/NĐ-CP, ngày 2.5.2008 của Chính phủ về quy chế quản lý các khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tỉnh cũng tạm dừng việc xem xét giao diện tích các đảo, mặt nước biển thuộc phạm vi vùng lõi Khu bảo tồn - nơi có các bãi đẻ, bãi giống thủy sản tự nhiên, cho các tổ chức, cá nhân để triển khai hoạt động du lịch. Đồng thời tổ chức cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh Khu bảo tồn tham gia quản lý Khu bảo tồn này kết hợp phát triển du lịch thông qua các mô hình đồng quản lý; tuyên truyền, phổ biển và giáo dục cộng đồng về lợi ích, trách nhiệm trong việc bảo vệ, tái tạo phát triển hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển và nguồn lợi thủy sản.
Cùng với đó, tỉnh củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện, nguồn nhân lực bảo đảm hoạt động hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định pháp luật hiện hành đối với Khu bảo tồn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; xây dựng, triển khai đề án khoa học “Điều tra, khảo sát hiện trạng đa dạng sinh học và đề xuất điều chỉnh phạm vi, diện tích các phân khu trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc”.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc thành lập năm 2007, là một trong 11 khu bảo tồn biển hiện có tại Việt Nam. Khu bảo tồn biển này là loại hình bảo tồn loài, sinh cảnh với hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loài động, thực vật quý hiếm có tổng diện tích 26.863 ha.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc có vai trò quan trọng trong việc phục hồi, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển, góp phần cải thiện sinh kế của người dân ven biển và hải đảo; nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng, giải trí, du lịch sinh thái và những vấn đề về môi trường.
Trong những năm qua, Khu bảo tồn đã xây dựng, phát triển 3 tổ tình nguyện cộng đồng về bảo tồn biển tại xã Hòn Thơm, Bãi Thơm và Hàm Ninh với 30 thành viên, chủ yếu là ngư dân; thành lập 6 CLB về bảo tồn biển trong học đường ở 6 trường THCS và THPT với hơn 250 học sinh tham gia; 2 nhóm giám sát đa dạng sinh học san hô, cỏ biển; đào tạo lặn biển bằng khí tài cho cán bộ và ngư dân phục vụ công tác quan trắc, giám sát đa dạng sinh học, lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống phao phân vùng, phao neo, vệ sinh rạn san hô, trồng san hô…
Khu bảo tồn cũng phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang thiết lập được 3 vườn ươm giống san hô cứng diện tích khoảng 140 m2 theo phương pháp công nghệ tách và cố định tập đoàn san hô trên khung nhựa PVC; xây dựng 2 khu duy trì nguồn giống thủy sản tại 2 ấp Hòn Rỏi (xã Hòn Thơm) và ấp Bãi Thơm (xã Bãi Thơm).
Theo TTXVN