Sưu tầm và trưng bày hiện vật về “tam nông”
Từ năm 2012, Hội Nông dân (HND) tỉnh phát động trong hội viên toàn tỉnh phong trào sưu tầm hiện vật về đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của người nông dân. Đáp lại, nhiều người dân đã mang những vật dụng, nông cụ thiết thân với gia đình để trao đến “chỗ ở” mới, mà ở đó giá trị và ý nghĩa của các món đồ một thời được phát huy hơn.
Sôi nổi hiến tặng hiện vật
Vài ngày sau khi Chi HND thôn Luật Bình (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) phổ biến về hoạt động sưu tầm hiện vật, người đầu tiên trong thôn hưởng ứng là bà Đinh Thị Bích Ngọc. Bà chủ động mang chiếc nồi 1 và ống nhổ ăn trầu bằng đồng đến nhà chị Huỳnh Thị Nhung - Chi hội trưởng Chi HND thôn để hiến tặng. “Đây là hai kỷ vật trong sinh hoạt hằng ngày của cha mẹ chồng tôi, mấy chục năm qua vẫn được gia đình cất giữ. Đồ đồng xưa cũng có chút ít giá trị nhưng tôi sẵn lòng đóng góp, để cùng với những bà con khác giúp HND chuẩn bị, thành lập phòng truyền thống”, bà Ngọc cởi mở.
Theo ông Huỳnh Tấn Minh, Chủ tịch HND xã Phước Quang, toàn xã hiện đã sưu tầm được 9 hiện vật gồm mâm, thau, nồi đồng, cối giã gạo, vịt câu lươn… do nông dân ở các thôn Định Thiện Tây, Lộc Ngãi, Quảng Điền, Luật Bình hiến tặng. Qua tìm hiểu, HND xã phát hiện vẫn còn một số ít hiện vật tản mác trong các hộ gia đình, sẽ được tiếp tục sưu tầm để bổ sung.
Tại huyện Tây Sơn, phong trào hiến tặng hiện vật cũng được đông đảo hội viên nông dân hưởng ứng. Các địa phương triển khai sâu rộng và đã có kết quả sưu tầm là Bình Hòa, Bình Tường, Tây Bình, Tây Thuận, Tây Phú, Tây Vinh, Vĩnh An… Điểm nổi bật trong công tác sưu tầm hiện vật về nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở huyện Tây Sơn là vai trò tiên phong, gương mẫu hiến tặng hiện vật của nhiều cán bộ hội, như: ông Trần Lập, nguyên Phó Chủ tịch HND xã Bình Hòa tặng 1 cối đá xanh 150 tuổi; ông Nguyễn Xuân Ninh, Phó Chủ tịch HND xã Tây Vinh tặng 1 thùng tay đựng đường, cái vợt bọt mía và nài da trâu dùng để ép mía; ông Trà Thanh Hiệp, Chủ tịch HND xã Tây Bình “góp” 1 cái ú thường được dùng để muối mắm, dưa cà… “Với tinh thần tích cực, xông xáo của cán bộ hội ở xã, thôn, hội viên và bà con hiểu sâu hơn ý nghĩa của phong trào, kết quả sưu tầm mang lại khá khả quan”, Phó Chủ tịch HND huyện Tây Sơn Đào Minh Trung cho biết.
Thức dậy không gian của tiềm thức
Là quê hương của nghề làm mía, ép đường và nhiều ngành nghề thủ công khác, hiện vật sưu tầm được ở Tây Sơn khá phong phú, độc đáo về chủng loại và có giá trị về mặt niên đại. Non nửa ngày dự phần vào một chuyến sưu tầm hiện vật cùng cán bộ HND huyện và xã Tây Phú, chúng tôi đã trải qua niềm vui khó tả khi tìm được các vật dụng rất có ý nghĩa. Đơn cử là cái bít và cái ui - 2 trong số 10 dụng cụ tạo thành bộ đồ ép mía, làm đường hoàn chỉnh, được tìm thấy tại nhà ông Năm Bàn ở thôn Phú Hiệp.
“Bộ đồ nghề làm đường bao gồm các bộ phận như bộ che (gồm 2 máng mâm, 2 dồi đàn, dây quấn dồi đàn), thùng tay, chảo (gồm chảo 2 và chảo 9), lồng, gáo, vợt, thùng lóng, bít, muỗng và ui. Từ năm 2012 đến nay, hiện vật sưu tầm từ các xã đưa về HND huyện, tổng hợp lại vẫn chưa đầy đủ bộ đồ nghề này. May mắn, HND xã Tây Phú đã sưu tầm được 2 cái bít, ui, chủ sở hữu là ông Năm Bàn đã mất, được con cháu ông đồng ý hiến tặng”, ông Huỳnh Ngọc, Phó Chủ tịch HND xã Tây Phú vui mừng chia sẻ.
Hay như chiếc vịt câu lươn mà ông Nguyễn Thông Hơn, ở thôn Quảng Điền, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) vừa tặng cho HND tỉnh, cũng mang trong mình “câu chuyện lịch sử” của nó. “Đó là dụng cụ đánh bắt xa xưa nhất còn lại của gia đình, do ông nội tôi làm ra, sử dụng đến tôi là thế hệ thứ 3. Nó có tuổi đời gần trăm năm và ghi dấu sự cần cù, khéo léo của người nông dân xưa. Gia đình tặng vật kỷ niệm này cho HND, mong nó được bảo quản tốt hơn”, ông Hơn tâm sự.
Theo ông Bùi Tĩnh, cán bộ Phòng nghiên cứu - sưu tầm, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, các vật dụng trong sinh hoạt, công cụ để đánh bắt, sản xuất… phần đông người dân không để tâm bảo quản, giữ lại, nên rất dễ bị thất lạc, hư hỏng dẫn đến thất truyền. Mỗi vùng có những dụng cụ sản xuất, sinh hoạt đặc trưng, việc tổ chức sưu tầm và đưa vào trưng bày sẽ góp phần dựng lại bức tranh về nông nghiệp, nông thôn và nông dân Bình Định từ trong quá khứ. “Đây là chủ trương ý nghĩa, kịp thời, nếu chỉ để chừng vài năm nữa, công tác sưu tầm càng khó khăn vì hiện vật bị hao hụt qua thời gian”, ông Bùi Tĩnh nhấn mạnh.
Kết quả thu được từ chương trình sưu tầm hiện vật sẽ phục vụ đắc lực cho việc thành lập Phòng truyền thống mà HND tỉnh đang tiến hành. Bà Lê Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: “Phòng truyền thống sẽ là nơi lưu giữ hình ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật, thành tích của các cấp HND, hội viên và bà con nông dân trong toàn tỉnh, góp phần nâng cao lòng tự hào về truyền thống của giai cấp nông dân”.
SAO LY