Hoạt động của trạm y tế xã:
Còn nhiều bất cập
Dự phòng và khám chữa bệnh (KCB) là 2 nhiệm vụ song hành của trạm y tế xã, phường, thị trấn (TYT). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đã đến lúc các TYT cần “cân đối” lại theo hướng tập trung hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Cách Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Vĩnh Thạnh gần 7km, nên TYT Vĩnh Thuận được người dân “ưu tiên” lựa chọn khi KCB. Xã Vĩnh Thuận có 1.481 nhân khẩu, theo thống kê trong năm 2012, bình quân mỗi người dân khám tại trạm 1,45 lần. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng TYT Vĩnh Thuận, cho biết: “Nhu cầu của người dân rất lớn, nhưng trang thiết bị phục vụ KCB của trạm khá đơn sơ, chỉ có 1 máy khí dung, 1 máy châm cứu, 1 đèn hồng ngoại”.
Nhiều nơi đìu hiu
Tuy nhiên, số TYT “sôi động” như Vĩnh Thuận không nhiều. Tại huyện Hoài Nhơn, số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký KCB ban đầu tại TYT đạt thấp. TYT Hoài Mỹ và Hoài Sơn cách xa TTYT huyện và BVĐK khu vực Bồng Sơn có số thẻ nhiều nhất, nhưng cũng chỉ khoảng 500 thẻ. Các TYT Bồng Sơn, Tam Quan, Tam Quan Bắc số thẻ BHYT không quá 100, nên hầu như chỉ tập trung cho công tác dự phòng. “Bác sĩ hiếm, mỗi trạm cùng lắm cũng chỉ có 1, lại không thể ngày nào cũng trực 24/24. Bệnh nhân đến trạm lúc không có bác sĩ, các nhân viên khác không khám được, vài lần như thế là “nản””, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn Trần Hữu Vinh phân tích.
Cảnh đìu hiu khiến các trang thiết bị phục vụ KCB khó phát huy hiệu quả. Năm 2009, 5 máy điện tim được trang bị cho TYT Bồng Sơn, Tam Quan Nam, Hoài Châu, Hoài Xuân và phòng khám khu vực Hoài Hương, sau đó lần lượt trở lại TTYT huyện vì không phát huy hiệu quả. Cuối năm 2011, TYT Tam Quan Nam được trang bị 1 máy siêu âm đen trắng xách tay, trạm còn có hẳn bác sĩ được đào tạo về siêu âm. Nhưng, chỉ được vài tháng bác sĩ này được rút lên TTYT huyện, chiếc máy cũng “đắp chiếu” từ đó. “Ngoài nhân lực, việc triển khai cận lâm sàng tại trạm gặp khó ở khâu thanh toán, nhu cầu của người dân cũng không cao. Từ khi máy siêu âm về trạm, số ca siêu âm cũng chưa đến 10 ca”, Trưởng TYT Tam Quan Nam Nguyễn Xuân Thái trăn trở.
TYT thị trấn Tăng Bạt Hổ cách TTYT huyện Hoài Ân chưa đầy 2km, ở thị trấn cũng có khá nhiều phòng khám tư, nên nhu cầu KCB của người dân không đáng kể (chưa tới 150 thẻ bảo hiểm y tế đăng ký KCB ban đầu tại trạm). Điều dưỡng Bùi Thị Giáo, Phó trưởng TYT thị trấn Tăng Bạt Hổ, cho biết: “Cả trạm chỉ có 6 người, nhưng 1 bác sĩ đi học chuyên khoa I, 1 dược sĩ nghỉ sinh; cả chuyên trách dân số cũng chưa có. Riêng các hoạt động dự phòng, 4 người đã xoay không xuể, nên số người đến khám ít cũng đỡ gây áp lực cho chúng tôi”.
Tại TP Quy Nhơn, nhiều TYT phường có chung cảnh thưa vắng người dân đến KCB. Theo bác sĩ Cao Thị Mỹ Hòa, Trưởng TYT phường Trần Phú, trạm ở thành phố, gần bệnh viện, phòng khám tư nhân, người dân có nhiều lựa chọn nên việc triển khai KCB gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã có quy định chỉ tiêu KCB hằng năm của TYT là 10% dân số của địa phương. Nhân viên của trạm phải huy động y tế khu phố tuyên truyền, vận động người dân đi khám ở trạm cho… đủ chỉ tiêu. Hiện nay, lượng bệnh nhân đến trạm rất ít, bình quân KCB Tây y 25-30 bệnh nhân/tháng. Tháng 7.2013, trạm khám được 30 bệnh nhân Tây y, 19 bệnh nhân Đông y và 32 phụ khoa, chủ yếu là các bệnh thông thường cảm, sốt, tiêu chảy, huyết áp…
“Dịch vụ cận lâm sàng cần thiết và đơn giản mà người dân rất thích như siêu âm, điện tim thì trạm không có, trong khi tâm lý bệnh nhân muốn được làm cho chắc ăn. Trạm không có một số trang thiết bị cấp cứu nên cũng khó xử lý ban đầu cho bệnh nhân”, bác sĩ Hòa thông tin thêm.
Tập trung cho công tác dự phòng?
Trước thực tế đó, bác sĩ Trần Hữu Vinh cho rằng, nhiệm vụ chính của TYT là công tác dự phòng, KCB chỉ thực hiện với một số đối tượng đặc thù, như người già, bệnh nhân tăng huyết áp, thay băng, rửa vết thương cho người không có điều kiện đi xa.
Nhiều bác sĩ tuyến xã cũng bày tỏ, không nên tập trung cả 2 nhiệm vụ KCB và dự phòng ở TYT. Yêu cầu bác sĩ ở trạm cũng không cần thiết. Bác sĩ trưởng trạm có rất nhiều việc, thậm chí việc chính gần như là đi họp, tuyên truyền vận động. “Nên tổ chức một phòng khám tập trung các bác sĩ, kiểu như phòng khám đa khoa khu vực, rồi đầu tư trang thiết bị để công tác KCB tốt hơn”, bác sĩ Cao Thị Mỹ Hòa thẳng thắn.
Đây cũng là quan điểm của nhiều cán bộ ngành Y tế. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, với điều kiện về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng… như hiện nay thì TYT cần tập trung nhiều hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu: phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tiêm chủng, chăm sóc và quản lý thai nghén, dân số - kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống HIV/AIDS… Đây là mô hình trên toàn thế giới áp dụng, hầu hết các nước đều không đặt nặng việc có bác sĩ tại TYT, mà yêu cầu có nữ hộ sinh và điều dưỡng giỏi. Về KCB, TYT chỉ thực hiện khám, điều trị các bệnh thông thường và sơ cấp cứu.
“Theo tôi cần đầu tư để thiết lập các phòng khám đa khoa khu vực. Phòng khám đa khoa khu vực có bác sĩ, trang thiết bị y tế như máy siêu âm, X-quang, xét nghiệm, có giường lưu bệnh và cả xe cứu thương… sẽ thực hiện tốt việc KCB cho nhân dân, giải quyết được tình trạng thiếu hụt bác sĩ, tập trung được nguồn lực đầu tư”, bác sĩ Lê Quang Hùng chia sẻ.
NGUYỄN VĂN TRANG