“Chính danh” cho sản phẩm làng nghề
Rượu Bàu Đá là sản phẩm đặc biệt “riêng có” của làng nghề truyền thống Cù Lâm, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn). Tuy nhiên, từ năm 2001 công ty Minh Anh (Đà Nẵng) đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu rượu Bàu Đá. Sau khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu rượu Bàu Đá, công ty này độc quyền kinh doanh sản phẩm rượu đóng chai mang nhãn hiệu rượu Bàu Đá và yêu cầu ngành chức năng không cho phép các loại rượu khác mang nhãn hiệu “rượu Bàu Đá” bán ra thị trường.
Phải mất 10 năm trời ròng rã khiếu kiện yêu cầu trả lại thương hiệu rượu Bàu Đá cho tỉnh Bình Định, mãi đến năm 2011 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” cho 53 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh rượu đã gia nhập hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá, Bình Định. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có 2 nhãn hiệu rượu Bàu Đá, đó là nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” Bình Định và nhãn hiệu “Rượu Bầu Đá” của Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh.
Từ câu chuyện “đòi” lại nhãn hiệu của rượu Bàu Đá đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, sản phẩm, nhất là với các sản phẩm mang tính truyền thống của địa phương là hết sức cần thiết. Với câu chuyện nhãn hiệu của rượu Bàu Đá mà đã mất 10 năm mới “đòi” được dù chưa trọn vẹn, thì câu chuyện mất thương hiệu nổi tiếng xảy ra trên một số thị trường thế giới còn gian nan gấp bội lần. Rõ ràng, việc xây dựng, bảo vệ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm truyền thống của địa phương trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề, gần đây các ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đã có nhiều nỗ lực để lập hồ sơ và đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể cho nhiều sản phẩm truyền thống của tỉnh như: Chả cá Quy Nhơn, bánh ít lá gai Bình Định, mai vàng Nhơn An, nước mắm Nhơn Lý, nước mắm Tam Quan…
Việc có được các nhãn hiệu tập thể “chính danh” sẽ giúp cho doanh nghiệp, địa phương bảo vệ danh tiếng của sản phẩm của mình, tránh sự lạm dụng hoặc giả mạo. Đồng thời, nhãn hiệu tập thể còn giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn sản phẩm.
Nhãn hiệu tập thể không chỉ hỗ trợ tiếp thị sản phẩm ở thị trường trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, đồng thời cung cấp cơ sở cho việc hợp tác giữa những nhà sản xuất trong nước, tạo thành một chuỗi hệ thống hữu hiệu cho phát triển kinh tế của địa phương, đất nước. Đặc biệt là có được công cụ pháp lý để bảo vệ các sản phẩm thế mạnh, hạn chế sự mai một hoặc bị lạm dụng, phát triển một cách tràn lan dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tác động tiêu cực đến đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nhãn hiệu tập thể.
Mong rằng, trong thời gian tới sẽ có thêm các dự án hỗ trợ và phát triển nhãn hiệu tập thể của các địa phương trong tỉnh, nhằm góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho địa phương có các sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
H.Ð