Khoa Ðịa lý - Ðịa chính Trường ÐH Quy Nhơn: Năng động, sáng tạo, giàu tiềm năng
Ngày 17.9, Khoa Ðịa lý - Ðịa chính Trường ÐH Quy Nhơn sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập. Với tốc độ phát triển nhanh cùng những định hướng đúng đắn, đến nay, Khoa Ðịa lý - Ðịa chính đã khẳng định được uy tín về chất lượng đào tạo.
Nhiều ngành đào tạo năng động, hiện đại
Tiền thân là bộ môn Địa lý thuộc Ban Hóa - Địa Trường ĐHSP Quy Nhơn, năm 1997, Khoa Địa lý được thành lập và trở thành cơ sở đầu tiên đào tạo Sư phạm Địa lý cho vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Năm 2004, khoa đào tạo 2 ngành mới: Địa lý học (nay là Địa lý tự nhiên) và Địa chính (nay là Quản lý đất đai). Năm 2010, Khoa Địa lý đổi tên thành Khoa Địa lý - Địa chính với 3 bộ môn: Địa lý tự nhiên và tài nguyên - môi trường, Địa chính - Bản đồ, Địa lý KT - XH và phương pháp dạy học. Năm 2016, khoa đào tạo ngành Quản lý tài nguyên - môi trường và chuyên ngành thạc sĩ Địa lý tự nhiên.
Hướng dẫn sinh viên Khoa Địa lý - Địa chính thực hành đo đạc đất đai bằng máy GPS Trimble R4 hiện đại.
“Khoa Địa lý - Địa chính là một trong những khoa có nhiều ngành đào tạo đại học nhất Trường. Khoa có các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại, được định hướng hoạt động rất tốt. Chương trình đào tạo tăng cường kỹ năng thực hành cho sinh viên. Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa rất sôi nổi, giảng viên và sinh viên có nhiều đề tài, chương trình và dự án cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp Trường. Khoa đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển”, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn đánh giá.
Khoa hiện có 23 giảng viên, gồm 1 phó giáo sư - tiến sĩ, 8 tiến sĩ - giảng viên chính, 5 nghiên cứu sinh, 8 thạc sĩ, được đào tạo tại các cơ sở uy tín trong và ngoài nước. Từng nhiều lần làm việc cùng, GS.TS Nguyễn Cao Huần, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam, nhận xét: “Khoa Địa lý - Địa chính Trường ĐH Quy Nhơn có một lực lượng năng động, sáng tạo, giàu tiềm năng, luôn tìm tòi, nghiên cứu với mong muốn đưa tất cả tinh hoa của Địa lý Việt Nam vào chương trình đào tạo, phục vụ công tác dạy - học, nghiên cứu khoa học”.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Ðịnh:
Trong nhiều năm qua, Khoa Ðịa lý - Ðịa chính Trường ÐH Quy Nhơn đã có nhiều đóng góp vào hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cho tỉnh. Ðội ngũ giảng viên của Khoa đã tham gia tích cực vào các hội đồng khoa học và công nghệ chuyên ngành do Sở KH&CN chủ trì; đồng thời tham gia chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều đề tài khoa học chất lượng tốt, có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh. Khoa đã đào tạo một đội ngũ sinh viên ra trường có chất lượng, phục vụ cho các hoạt động của tỉnh, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học.
Khẳng định uy tín ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Nhiều ngày qua, giảng viên và sinh viên Khoa Địa lý - Địa chính tất bật, hào hứng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm thành lập khoa. “Chúng tôi vinh dự và tự hào biết bao khi là sinh viên của khoa. Ở đây, bên cạnh kiến thức, chúng tôi còn được các thầy cô chỉ bảo những kỹ năng nghề nghiệp và cuộc sống tương lai. Bản thân tôi đã trưởng thành hơn trước rất nhiều”, sinh viên Phan Phong Phú tâm tình. 20 năm qua, bao thế hệ sinh viên của khoa tốt nghiệp ra trường đều quay về khi có cơ hội, để trau dồi, nâng cao kiến thức chuyên môn và tri ân thầy cô dạy dỗ.
Tính đến nay, khoa đã đào tạo hàng ngàn sinh viên ngành Sư phạm, Quản lý đất đai, Địa lý tự nhiên. Tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao. “Theo thống kê của khoa, khoảng 40 - 70% giáo viên dạy Địa lý ở Bình Định và một số tỉnh Nam Trung bộ- Tây Nguyên đều là cựu sinh viên của khoa. Nhiều cán bộ Địa lý, Địa chính của các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đều từng học tập ở đây. Riêng lớp Quản lý đất đai khóa 1 hiện có 17 người giữ chức vụ quản lý…”, TS Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng khoa Địa lý - Địa chính cho biết.
Hội Địa lý Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư, giúp đỡ để Khoa Địa lý - Địa chính Trường ĐH Quy Nhơn trở thành một trung tâm đào tạo địa lý tiên tiến ở khu vực miền Trung. “Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường làm cầu nối để Khoa Địa lý - Địa chính hợp tác, giao lưu với một số cơ quan chuyên môn liên quan ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc…”, Chủ tịch Hội Địa lý Việt Nam Nguyễn Cao Huần khẳng định.
GS.TS Ðặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:
Tôi cho rằng tương lai câu chuyện người ta đặt ra với quản lý tài nguyên môi trường là quản lý tích hợp, quản lý phát triển theo liên kết vùng. Ở đây, công cụ chủ yếu sẽ là “quy hoạch”- giải pháp thế giới đang làm. Hiện nay, người ta bắt đầu đưa ra những khái niệm về quản lý phát triển thông qua quy hoạch, chủ yếu dựa vào các khái niệm cơ bản và các khái niệm địa lý; sau đó tích hợp với các dữ liệu về tài nguyên thiên nhiên và môi trường để xây dựng ra một kịch bản phát triển, nhất là những nơi dễ bị tổn thương của biến đổi khí hậu.
Ðịnh hướng tiếp tục phát triển của Khoa Ðịa lý - Ðịa chính Trường ÐH Quy Nhơn gắn được với những quan điểm mới về mặt quản lý phát triển. Ðiều này tạo ra hiệu quả rất tích cực cho cả vùng đô thị lẫn nông thôn, đặc biệt cho vùng ven biển bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.
NGỌC TÚ