Khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt
(BĐ) - Đây là mục đích chính của Hội thảo ngữ học toàn quốc lần thứ 20 - năm 2017, với chủ đề "Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và phát triển". Hội thảo do UBND tỉnh, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Quy Nhơn tổ chức, đã khai mạc vào sáng 16.9 tại TP Quy Nhơn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh dự và phát biểu chào mừng Hội thảo.
GS.TS Lê Quang Thiêm - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Quang Thiêm - Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, dù chính thức phát động trong một thời gian không dài (6 tháng), nhưng BTC Hội thảo đã nhận được hơn 280 báo cáo (tóm tắt và toàn văn) gửi tới, chọn lọc được 248 báo cáo, chia thành 3 tiểu ban chính, đa dạng với nhiều vấn đề ngôn ngữ học, nhiều vấn đề liên quan đến tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập và hòa nhập quốc tế. Rất nhiều báo cáo là những công trình khảo cứu công phu, có giá trị khoa học và thực tiễn.
Trong số các tham luận tại Hội thảo lần này, có gần 30 tham luận của các tác giả hiện đang sống và công tác tại Quy Nhơn. Ngoài những vấn đề về Ngôn ngữ Việt Nam - Hội nhập và Phát triển, Hội thảo còn có những tham luận và thảo luận về nguồn gốc lịch sử chữ Quốc ngữ, làm sáng tỏ thêm vai trò của đất và người Bình Định trong việc hình thành chữ Quốc ngữ (đầu thế kỷ XVII) và phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ (cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX). Đồng thời, có những nhìn nhận và tư vấn khoa học giúp cho tỉnh trong việc ứng xử, bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ.
Quang cảnh Hội thảo.
Hoàng Phạm (thực hiện)
Chúc mừng và chào đón các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến TP Quy Nhơn tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định trong hành trình chữ viết của tiếng Việt, từ chữ Nôm đến chữ viết theo mẫu tự La tinh (chữ Quốc ngữ), có sự đóng góp không nhỏ của đất và người Bình Định. Đó là việc vua Quang Trung chính thống hóa chữ Nôm trong các văn bản Nhà nước; là việc quan trấn phủ Quy Nhơn - Trần Đức Hòa, các “văn nhân” tại Nước Mặn thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước ngày nay cùng các giáo sĩ phương Tây sáng tạo, phôi thai hình thành chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XII; và Nhà in Làng Sông là nơi phát triển truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Quy Nhơn đăng cai tổ chức hội thảo toàn quốc về Ngôn ngữ học, với mong muốn các nhà khoa học - đặc biệt là các nhà ngôn ngữ học, cùng nhau trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm nâng cao vai trò, vị thế của ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt mà Bình Định là một trong những cái nôi của chữ Quốc ngữ, nhằm phát triển ngôn ngữ quốc gia trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Hội thảo gồm có 4 phiên báo cáo toàn thể và các báo cáo ở các tiểu ban, sau đó tổng kết và bế mạc vào 16 giờ 30 phút cùng ngày.
NGỌC TÚ