Khắc phục… “điểm trừ”!
Dự báo năm 2017 tiếp tục là một năm “bùng nổ” của du lịch Bình Định với khoảng 3.550 ngàn lượt khách; trong đó, khách quốc tế chiếm trên 10% với khoảng 385 ngàn lượt khách. Cho đến nay, với nỗ lực từ nhiều phía có thể nói việc đón khách du lịch nội địa đối với du lịch Bình Định có thể coi là tạm ổn. Tuy nhiên, việc đón khách quốc tế còn không ít hạn chế, trong đó phải kể đến các kênh giao tiếp bằng ngoại ngữ.
Trước hết, có thể nói về thông tin giao tiếp tại các địa điểm công cộng như nhà ga, bến xe, hay các điểm du lịch, đầu mối giao thông… Thực tế cho thấy, ngoại trừ tại sân bay là có hướng dẫn trên các bảng thông báo hay có người hướng dẫn qua loa phóng thanh bằng tiếng nước ngoài (cụ thể là tiếng Anh) thì các địa điểm khác như bến xe, nhà ga, điểm du lịch… đều rất ít hoặc không có. Đây là một “điểm trừ” rất lớn đối với ngành du lịch nếu không được quan tâm khắc phục càng sớm càng tốt.
Việc nhân lực trong các ngành dịch vụ biết ngoại ngữ để giao tiếp với khách là người nước ngoài là điều cần có trước hết. Tại một số nhà hàng ở dọc tuyến đường Xuân Diệu, Bình Hà, Nguyễn Huệ… ven biển Quy Nhơn luôn tấp nập du khách đến ăn uống, trong đó có không ít thực khách là người nước ngoài. Tại khu vực này không chỉ một lần diễn ra cảnh thực khách nước ngoài vào nhà hàng rồi mà cứ phải loay hoay, hết xì xồ bằng miệng đến ra dấu bằng tay, trong giao tiếp với nhân viên phục vụ của quán nhưng bất thành vì bất đồng ngôn ngữ. Chỉ đến khi có thực khách trong quán biết ngoại ngữ đến giúp làm trung gian giao tiếp cho hai bên thì mới ổn!
Việc các nhà hàng tương đối lớn ở một thành phố du lịch như Quy Nhơn mà thiếu nhân sự biết tiếng Anh để giao dịch với khách nước ngoài có thể xem là một sự rất thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo phản ánh của một số hướng dẫn viên du lịch thì tình trạng “bất đồng ngôn ngữ” như thế còn thường xuyên xảy ra không ít ở các quán ăn, nhà trọ bình dân, và thậm chí cả ở những nhà hàng hay điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh.
Thực tế này cho thấy tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề của ngành du lịch khi mà số lượng khách đến với Quy Nhơn - Bình Định những năm gần đây tăng nhanh. Đây cũng là hệ quả tất yếu của sự “bùng nổ” phát triển du lịch trong vài năm trở lại đây. Vì sự “bùng nổ” này, nhiều người dân có vốn nắm bắt thời cơ bước ra làm ăn, ngay lập tức họ trở thành chủ nhà hàng, khách sạn dù chưa hề có kiến thức, kinh nghiệm về quản lý điều hành hoạt động dịch vụ du lịch. Đồng thời với đó là việc đa số nhân viên được tuyển vào cũng chỉ là lao động phổ thông mùa vụ, hoặc lao động bán thời gian chưa qua đào tạo nghề nghiệp nên thiếu cả kiến thức, kỹ năng về phục vụ du lịch lẫn ngoại ngữ (!).
Trong xu thế Quy Nhơn - Bình Định đã và đang nổi lên thành một “điểm đến” du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, con số tăng trưởng bình quân trên 20%/năm cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói” này ở Bình Định. Tuy nhiên, với các hạn chế về nhân lực như đã nói trên, có thể sẽ trở thành lực cản của sự phát triển trong thời gian tới.
Vì vậy, để ngành dịch vụ du lịch Quy Nhơn- Bình Định phát triển, ngày càng hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, duy trì được đà tăng trưởng và nâng cao hiệu quả kinh doanh… thì ngành chức năng cần phải thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo tại chỗ để bổ sung kiến thức và kỹ năng cho người lao động hiện có; đồng thời tăng cường mở các khóa đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề, các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn. Một đội ngũ lao động có kiến thức, kỹ năng, tay nghề và văn hóa ứng xử tốt sẽ là “chìa khóa vàng” cho sự phát triển của du lịch Bình Định.
H.Đ