Chuyện địa danh, chữ nghĩa…
Lâu nay cứ tưởng “chiếng” trong quán ngữ “dân tứ chiếng” là chỉ phương hướng như Nam, Bắc, Tây, Đông, nên “dân tứ chiếng” là dân từ bốn phương tụ lại, hỗn loạn, hòa trộn lẫn vào nhau, nhưng không phải vậy. “Chiếng” hay là “chiến”, phát âm theo cách Nam bộ, có ý nghĩa ban đầu là “đẹp, bảnh, cừ khôi, ở mức hoàn hảo, không chê vào đâu được”, kiểu như: “Cái ghe này chiếng (chiến) thiệt, có nó dùng di chuyển vào mùa nước nổi thì còn gì bằng; hay Con gà này đá chiếng (chiến) thật, không con nào qua mặt nổi”. Vậy, tứ chiếng là sự hội tụ từ bốn phương những gì đẹp, bảnh, cừ, giỏi nhất.
Hay “dượng” là từ xưng gọi phổ biến, nếu trong phương ngữ Bắc bộ dùng chỉ “cha ghẻ, không phải cha ruột, thường có ý xem thường” thì trong ngôn ngữ giao tiếp Nam bộ hay miền Trung, để gọi đối tượng nam, có quan hệ hôn nhân với dì, cô mình với nghĩa biểu thái thân mật, tình cảm. Thậm chí, người Nam bộ gọi cả những người nam không quen biết nhưng dễ tỏ tình thân, họ vẫn gọi là dượng, xem như người thân của dì, cô mình.
Rồi, đại từ nhân xưng “ổng, bả, ảnh, chỉ” từ đâu mà ra, nghĩa là gì, hay để chỉ thời gian với “kia, kìa, kỉa, kía, kịa” hiểu và dùng trong thực tế ra sao? Bao nhiêu địa danh cần hiểu kỹ, vì sao Cần Thơ gọi là Tây Đô, vì sao gọi là bộ đội Bình Xuyên, Ngũ hổ tướng Gia Định là ai?
Đây nữa, thế nào là ba rọi; bị điểm không (zê-rô) gọi là “ăn trứng ngỗng” xuất xứ từ đâu; “anh em cột chèo” có quan hệ thế nào, vì sao gọi vậy; dân gian hay nói “rành sáu câu”, “loạn cào cào” nghĩa là gì?
Những thắc mắc, tưởng, ngờ, chưa hiểu hết… nói trên đã được giải đáp trong cuốn sách “Chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam bộ” (ảnh, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2017) của tác giả Huỳnh Công Tín. Sách chia làm hai phần, kể chuyện, giải nghĩa, giải thích nhiều địa danh và từ ngữ xuất xứ từ Nam bộ một cách giản dị, tường tận và hóm hỉnh. Nói chuyện của Nam bộ nhưng thật ra nhiều từ ngữ đã đi vào cách nói cửa miệng của người dân miền Trung bao lâu nay, và trở thành ngôn ngữ toàn dân. Đọc xong quyển sách, nhiều người sẽ ngộ ra, à há, vậy mà lâu nay mình không hiểu hay hiểu khác những từ, ngữ, địa danh đó chứ.
TRẦN XUÂN TOÀN