Chăm lo nhà ở cho người khiếm thị nghèo
Hỗ trợ người khiếm thị khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh là một trong nhiều mục tiêu của Hội Người mù tỉnh kể từ thời điểm thành lập. Ðến thời điểm hiện tại, nhiều người khiếm thị đã “an cư” thông qua sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân.
Niềm vui trên những ngón tay
Giữa năm 2017, vợ chồng ông Lê Đức Ký (73 tuổi, ở thôn Luật Lễ, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) vui mừng đón nhà mới. Một tháng liền vất vả cho chuyện xây cất, gian nhà chính có diện tích hơn 30m2 đã hoàn tất. Đều là người khiếm thị, ông Ký và vợ Trần Thị Thảo hình dung nhà mới bằng những ngón tay gầy sạm, in hằn dấu vết thời gian và sự cơ cực.
Vợ chồng ông Ký trong gian nhà cao ráo được xây cất từ sự ủng hộ của các tổ chức.
Dấu vết của sự xuống cấp, xập xệ vẫn còn đó, rõ nét ở gian nhà thờ và gian bếp với bức tường hoen ố, nhiều vết nứt... Song, ở gian nhà giữa mới xây, cảm giác yên tâm, vững chãi. Bà Thảo bảo: “Vợ chồng tôi cố thêm cái gác lửng để phòng khi lũ lụt còn có nơi mà trú chân. Mấy năm trước, nước lũ tràn vào, hai vợ chồng không biết làm sao, phải chờ có người đến dìu, cõng”.
Cơ ngơi nho nhỏ này của ông Ký có tổng kinh phí xây dựng hơn 85 triệu đồng. Trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo” của huyện hỗ trợ 5 triệu đồng, Hội LHPN huyện hỗ trợ 5 triệu đồng. Ngoài ra, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội đoàn thể thị trấn Diêu Trì đóng góp hơn 12 triệu đồng. Riêng ông Ký cho thuê hơn 2 sào ruộng trong vòng 15 năm để có thêm 30 triệu đồng xây lại gian nhà.
“Tôi từng tính ở nhà xuống cấp như vậy cho đến khi khuất núi. Vì mình già rồi, làm chẳng ra tiền, con cái lại không có. Nhưng đến khi được các tổ chức giúp đỡ, bà con hàng xóm hứa sẽ trông coi, phụ giúp chuyện xây sửa, vợ chồng tôi mới mạnh dạn. Mừng nhất là sau khi cất xong nhà mà không phải gánh nợ nần. Giờ thì mưa gió gì, vợ chồng tôi cũng có được chỗ khô ráo, an toàn, bớt lo lắng, chột dạ”, ông Ký tâm sự.
Hai năm nay, bà Trịnh Thị Năm (57 tuổi, ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) và con trai đã có được căn nhà nhỏ khang trang, tươm tất. Bà Năm bị mù từ nhỏ. Vài năm trước, con trai bà bị tai nạn giao thông làm gãy hai chân, ảnh hưởng đến sức lao động. Cảnh nhà ngày một khó khăn. Ngôi nhà chắc chắn là điều mà bà chưa dám nghĩ đến cất. Nhưng nhờ vào khoản trợ giúp 25 triệu đồng của Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, sự hỗ trợ của cấp xã và cấp thôn, ngôi nhà với kinh phí gần 90 triệu đồng đã đưa vào sử dụng.
Kết nối những tấm lòng
Thông qua sự kết nối của Hội Người mù tỉnh đến các tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh, từ năm 2010 đến nay, đã có 11 hộ người khiếm thị nghèo trong tỉnh được hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết, phần nào ổn định cuộc sống. Một vài trường hợp, bên cạnh hỗ trợ xây nhà ở, các nhà hảo tâm còn hỗ trợ vật dụng gia đình và sổ tiết kiệm giúp gia đình người mù có thể ổn định dài lâu. Như trường hợp của người khiếm thị Đỗ Thị Diền (72 tuổi, ở khu vực 8, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) được các nhà hảo tâm tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 43 triệu đồng để xây nhà và sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Bá Tuyết, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người khiếm thị nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các địa phương. Hầu hết các gia đình người mù khi triển khai xây dựng nhà ở đều có sự ủng hộ về tiền mặt và cả ngày công lao động của chính quyền, hội đoàn thể tại cơ sở và bà con nhân dân.
“Qua khảo sát của Hội Người mù tỉnh và thống kê từ các Phòng LĐ-TB&XH, hiện toàn tỉnh còn khoảng 80 người mù nghèo có nhà ở đơn sơ, dột nát cần được hỗ trợ. Chính vì vậy, dù gặp không ít khó khăn trong vận động nguồn lực, nhưng Hội kêu gọi sự chung tay của các đơn vị, các tổ chức từ thiện trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa từ 2 đến 3 ngôi nhà cho người mù nghèo mỗi năm”, ông Tuyết trao đổi.
NGUYỄN MUỘI