Mạnh tay hơn với doanh nghiệp lơ là an toàn vệ sinh lao động
Theo thống kê của đoàn kiểm tra liên ngành về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại 43 doanh nghiệp trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2017, nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm túc trong thi hành pháp luật về ATVSLĐ.
Tai nạn lao động để lại hậu quả đau lòng và cả gánh nặng cho các gia đình nạn nhân.
- Trong ảnh: Đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH thăm một nạn nhân tai nạn lao động tại huyện Vĩnh Thạnh.
Cụ thể, 32/43 doanh nghiệp chưa phân loại lao động theo danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. 31/43 doanh nghiệp chưa xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp. 26 doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; 22 doanh nghiệp chưa kiểm định, khai báo máy móc thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. 16 doanh nghiệp chưa tổ chức khám sức khỏe tuyển dụng, định kỳ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp. 11 doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ y tế, phương tiện kỹ thuật và trang thiết bị cấp cứu…
“Tại hiện trường lao động sản xuất, các doanh nghiệp đều mắc phải các lỗi phổ biến như: thiếu an toàn trong sử dụng điện, không che chắn các hệ thống truyền động. Người lao động không thường xuyên sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân khi làm việc. Đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, doanh nghiệp ghi chữ quá nhỏ hoặc không thực hiện tóm tắt quy trình vận hành… Việc không xem trọng, chưa tuân thủ các quy phạm kỹ thuật ATVSLĐ tại nơi sản xuất như trên sẽ tiềm ẩn các nguy cơ về tai nạn lao động”, ông Huỳnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH kiêm Phó Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh về công tác ATVSLĐ, cho biết thêm.
Sau đợt kiểm tra vào tháng 5.2017, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đưa ra 145 kiến nghị cho các doanh nghiệp về công tác an toàn lao động. Song đến nay, mới chỉ 10/43 doanh nghiệp thực hiện các cam kết với Đoàn kiểm tra. Tỉ lệ doanh nghiệp chưa thực hiện các cam kết theo kiến nghị của Đoàn kiểm tra là 76,74%.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 45 vụ tai nạn lao động làm 2 người chết và 38 người bị thương nặng, tăng 45,16% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số đáng báo động. Nó xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là chủ sử dụng lao động chưa quan tâm đến công tác huấn luyện an toàn lao động và trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động.
Mạnh tay hơn trong xử lý các doanh nghiệp chưa quan tâm, đảm bảo các quy định pháp luật về ATVSLĐ là trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Giải pháp căn cơ là UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành, địa phương đưa tiêu chí thi hành pháp luật về ATVSLĐ vào hồ sơ dự thầu, trở thành tiêu chí quan trọng trong quá trình chấm thầu. Mặt khác, không cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản thuộc tỉnh quản lý cho những tổ chức, cá nhân không thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ nói riêng và pháp luật lao động nói chung.
AN PHƯƠNG