Hướng đến nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp
Sau hơn 2 năm thực hiện Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV, hoạt động tư pháp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, bất cập cần điều chỉnh để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, đặc biệt là ở tuyến cơ sở.
Ngày 22.12.2014, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp. Theo Giám đốc Sở Tư pháp Lê Văn Toàn, tác động rõ rệt từ Thông tư này là đã góp phần xây dựng bộ máy tổ chức ngành Tư pháp từ tỉnh đến cơ sở hoạt động ổn định.
* Biểu hiện cụ thể của tác động này như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay Sở Tư pháp có Văn phòng Sở, Thanh tra Sở, 6 phòng chuyên môn và 5 đơn vị sự nghiệp. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc đã được quy định cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch trong Quy chế làm việc của Sở Tư pháp; tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong quá trình phối kết hợp tham mưu lãnh đạo Sở triển khai thực hiện.
Trong khi đó, đến nay hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Phòng Tư pháp, công tác tư pháp, hộ tịch cấp xã đã ổn định, đi vào hoạt động ngày càng hiệu quả. Phương thức, lề lối làm việc, các quy chế, quy định về chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của đội ngũ cán bộ cơ quan Tư pháp địa phương đã được đổi mới, hoàn thiện. Việc bố trí đúng chức danh, tiêu chuẩn đối với công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã được thực hiện nghiêm túc; công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp tại các phòng Tư pháp ngày càng được quan tâm.
* Nhân lực luôn là yếu tố then chốt trong hoạt động công vụ. Với ngành Tư pháp, lâu nay vẫn tồn tại khó khăn về nhân lực, biên chế chưa đảm bảo, lại khó thu hút cán bộ ở tuyến cơ sở...
- Đúng là có tình trạng đó. Biên chế của các Phòng Tư pháp cấp huyện hiện có 4-5 người; số lượng cán bộ, công chức tư pháp cấp huyện có 54 người. 159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã bố trí 256 cán bộ, công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch.
Công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã thường xuyên được tập huấn, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Tuy nhiên, biên chế được giao cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp hiện không đảm bảo theo vị trí việc làm so với nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, kể từ ngày 1.1.2016, nhiệm vụ đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài từ Sở Tư pháp chuyển cho UBND cấp huyện; cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã vừa đăng ký hộ tịch, vừa xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch đã phát sinh nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Đáng chú ý, một số cơ chế chính sách đối với cán bộ, công chức tư pháp còn chưa hợp lý, chưa thu hút được cán bộ có trình độ chuyên môn làm công tác tư pháp. Việc tuyển dụng, hợp đồng cán bộ, công chức hành chính tư pháp rất khó khăn; một số công chức không yên tâm công tác, do thu nhập thấp nên nghỉ việc, chuyển công tác.
Xuất phát từ thực tế đó, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV
theo hướng quy định chức năng, nhiệm vụ đối với cơ quan Tư pháp phải tương xứng, phù hợp với biên chế thực tế. Trên cơ sở vị trí việc làm, Bộ Tư pháp thống nhất với Bộ Nội vụ quy định biên chế cụ thể cho lĩnh vực tư pháp từ tỉnh đến cơ sở.
* Về việc sửa đổi, thay thế Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV, đã có ý kiến cho rằng cần phải nhập Phòng Hành chính tư pháp và Phòng Bổ trợ tư pháp thuộc Sở Tư pháp. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Đó là hướng đi cần thiết. Thông tư liên tịch 23/2014/TTLT-BTP-BNV quy định Sở Tư pháp có quá nhiều phòng chuyên môn trong khi biên chế được giao ít nên việc bố trí nhân sự khó khăn. Phòng Hành chính tư pháp và Phòng Bổ trợ tư pháp mới được thành lập, có chức năng, nhiệm vụ khá gần gũi, đan xen nhau. Nhân sự của 2 phòng ít, rất khó bố trí, phân công công tác (Phòng Hành chính tư pháp hiện có 4 cán bộ, chuyên viên; Phòng Bổ trợ tư pháp chỉ có 3 cán bộ, chuyên viên). Nhập 2 phòng này lại sẽ tiện cho hoạt động quản lý, điều hành, phân công nhiệm vụ.
* Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)