Cung cấp nước sạch ở An Nhơn, Tuy Phước: Nơi đục, nơi yếu
Đang trong mùa cao điểm, thế nhưng nhiều người dân ở các xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc (TX An Nhơn) sử dụng nước máy sinh hoạt luôn trong tình trạng phải dùng nước đục; còn người dân ở xã Phước Thuận, Phước Sơn (Tuy Phước) thì không có đủ nước để dùng. Dù rằng, việc cung cấp nước sạch tại các địa phương này đều do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thực hiện.
Bà Lê Thị Túc Nhơn lắng lọc nước trước khi sử dụng.
Nước máy bị nhiễm bẩn
Theo bà Lê Thị Túc Nhơn (xóm Xuân Điền, thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân), trước đây tình trạng nước máy bị bẩn đục thỉnh thoảng vẫn xảy ra nhưng chưa lần nào có màu đen như hiện nay. Lúc đầu, bà Nhơn tưởng chỉ có đường ống nhà mình bị hỏng khiến nước bị bẩn, nhưng sau đó đi hỏi mới biết các gia đình khác ở xóm dùng nước máy đều xảy ra tình trạng tương tự. Để có nước dùng tạm, bà Nhơn dùng nhiều dụng cụ để lắng lọc, phải mất cả đêm thì cặn bẩn mới lắng xuống.
“Thời gian qua, nước đục quá, không nấu ăn, tắm rửa hay giặt quần áo gì được cả. Lọc cả đêm thì nước mới trong nhưng vẫn không yên tâm, tôi đành mua nước lọc đóng bình về để uống và nấu ăn”, bà Nhơn nói.
Do nước máy bị nhiễm bẩn nên nhiều hộ gia đình ở các xã trên không dùng để sinh hoạt gia đình mà chỉ sử dụng để vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Bà Lê Thị Lan, ở xã Nhơn Thọ, bức xúc: “Từ khi có nước nhà máy cung cấp, chúng tôi tin tưởng là nước sạch nên nhiều khi chủ quan không kiểm tra, đến mức hầu hết dùng nước này uống trực tiếp luôn mà không cần đun sôi. Nay kiểm tra kỹ lại đôi khi nước có tạp chất, để lâu nổi váng. Ai đời mang tiếng là nước sạch mà muốn dùng nấu ăn, uống phải lắng lọc nhiều lần mới sử dụng được”.
Theo ông Phạm Minh Trường, Tổ trưởng Nhà máy nước Nhơn Tân (thuộc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh), nhà máy đang cấp nước sạch cho 2.400 hộ dân các xã Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc. Do nhu cầu nước sạch ngày càng tăng nên nhà máy này hoạt động luôn trong tình trạng quá tải. Ông Trường thừa nhận phản ánh của người dân về tình trạng nước máy bị đen là đúng. “Cách đây khoảng 1 tuần, khu vực nhà máy nước bị cắt điện, cặn bã bám trong các đường ống dẫn nước lâu ngày thoát ra làm nước có màu đen. Hơn nữa, nguồn nước nhà máy lấy là từ mạch nước ngầm nên bị nhiễm mangan (nước đục, nước có màu đen, hung đen, có hiện tượng bám cặn màu đen -PV), dù đã qua hệ thống xử lý nhưng vẫn không thể hết được. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các công nhân của nhà máy nhiều lần phải đi xả nước tại các đường ống vào ban đêm để cặn bã thoát ra ngoài. Chỉ vài ngày sau, cặn bã ra hết thì nước sẽ trong trở lại”, ông Trường cho biết.
Hứng từng giọt nước
Trong khi đó, người dân ở xã Phước Sơn và xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) phản ánh đã gần 20 ngày nay họ quá cực khổ với nước sinh hoạt. Bởi nước máy bị cúp thường xuyên, khi có thì nước quá yếu phải hứng từng giọt, hứng cả đêm mới có đủ xô nước để sử dụng. Người dân liên tục phản ánh tình trạng này nhưng không thấy nhà máy nước khắc phục.
Chị Nguyễn Thị Thảo (ở thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn), bức xúc: “Trước đây nước có yếu nhưng vẫn tạm đủ dùng cho sinh hoạt gia đình. Khoảng 10 ngày nay nước không chảy được nữa, nhiều hôm phải thức đến nửa đêm mới hứng được vài xô để dành. Nước máy không những yếu mà thường bị nhiễm phèn, chỉ lắng lọc để nấu ăn, tắm giặt thì đến nhà hàng xóm gánh nước giếng, còn nước uống thì phải mua bình”.
Còn anh Trần Nam Hùng (ở xã Phước Thuận), thì cho biết: “Thời gian đầu nước mạnh nên người dân mừng lắm. Tuy nhiên, hơn nửa năm trở lại đây nước cứ yếu dần, khoảng 20 ngày nay thì nước quá yếu, gia đình tôi nằm ở cuối đường ống nên không có một giọt, đành phải dùng mô tơ điện gắn thẳng vào đường ống nước bơm thì mới có nước sử dụng tạm”.
Ông Nguyễn Văn Tánh, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, cho rằng do nhu cầu sử dụng nước máy của người dân khu vực này tăng cao vào mùa nắng nóng, các nhà máy đã bơm vượt công suất thiết kế nhưng cũng không đủ đáp ứng. Mặt khác, hiện một số hộ dân lợi dụng giá nước máy cung cấp cho khu vực nông thôn thấp nên dùng nước sạch tưới cây, hoa màu dẫn đến tình trạng các hộ dân ở cuối đường ống không có nước để sử dụng.
Dù vậy, đơn vị quản lý cũng nên sớm chỉ đạo các nhà máy nước sạch đang cung cấp nước cho người dân các địa phương nói trên có các biện pháp khắc phục, để người dân được sử dụng nước máy ổn định, đảm bảo vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn.
VĂN LƯU