Phù Mỹ: “Ðiểm nóng” sinh con thứ 3
Liên tiếp trong vài năm trở lại đây, huyện Phù Mỹ có tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất tỉnh. Là huyện đông dân thứ 3 trong tỉnh, tình trạng trên ở Phù Mỹ đã khiến tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Bình Ðịnh cao hơn mặt bằng chung của cả nước. “Hạ nhiệt” cho “điểm nóng” này là vấn đề được đặt ra cho địa phương.
Theo số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, năm 2015, 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên (sinh 3 +) của huyện Phù Mỹ luôn cao nhất tỉnh và có dấu hiệu năm sau cao hơn năm trước. Tỉ lệ sinh 3 + của toàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2016 là 13%, còn của Phù Mỹ là 18%. Ước tỉ lệ sinh 3 + của toàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2017 là 13,7%, trong khi đó Phù Mỹ tới 24%.
Trong tổng số gần 1.096 trẻ ở huyện sinh ra trong 9 tháng đầu năm 2016, số là con thứ 3 trở lên chiếm 197 trẻ (chiếm 18%). Ước số trẻ sinh ra 9 tháng đầu năm 2017, trẻ là con thứ 3 trở lên tiếp tục tăng nhanh, với 322/1.340 trẻ (24%).
Công tác dân số miền biển Phù Mỹ đang gặp khó khăn lớn, cần chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc.
- Trong ảnh: Truyền thông dân số ở xã Mỹ Quang.
Mấu chốt là ý thức của người dân
Theo lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phù Mỹ cũng như cán bộ chuyên trách dân số các xã, nguyên nhân chung là bởi tâm lý chuộng sinh con đông, nhất là con trai, để có nhân lực đi biển của người dân vùng biển. Đây là “thành trì” khiến cho công tác truyền thông gặp rất nhiều khó khăn, dẫu nỗ lực nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả đáng kể.
Xã Mỹ Thành được xem là “điểm nóng” về tình trạng sinh 3 +, khi năm 2015, 2016 và hết tháng 8.2017 luôn “dẫn đầu” huyện. Từ tháng 1 - 8.2017, toàn huyện có 273 trẻ là con thứ 3 trở lên, trong đó Mỹ Thành cao nhất với 37 trẻ.
Chị Nguyễn Thị Siêng, chuyên trách dân số của xã Mỹ Thành cho biết, số phụ nữ sinh 3 + phần lớn ở 3 thôn biển Vĩnh Lợi 1, 2, 3 và rơi vào các gia đình làm biển, có điều kiện kinh tế khấm khá, có nhu cầu sinh nhiều con, không kể trai hay gái.
Như trường hợp của chị Ngô Thị T. (thôn Vĩnh Lợi 1), dù đã có 2 con đủ nếp, tẻ, nhưng vợ chồng chị vẫn muốn sinh thêm. Vì “một nhà có 2 đứa con thì ít lắm”, chị T. nói. Với suy nghĩ đó, đầu năm 2017, vợ chồng chị đã sinh thêm 1 bé gái.
Còn tại thôn Vĩnh Lợi 2, chị Trần Thị H. quan niệm, gia đình theo nghề biển, chồng thì quanh năm đi biển kiếm tiền, mà vợ không chịu sinh thêm, nhất là con trai để làm nghề biển thì cũng coi như không “hoàn thành” tốt thiên chức. Khi chúng tôi tỏ ý băn khoăn, sinh nhiều con thì điều kiện chăm sóc, cho học hành ít chu đáo hơn, chị H. cười bảo: “Đứa nào học được thì đều cố hết sức cho ăn học, còn đứa học dở thì đi biển, ở đây thiếu bạn quanh năm, đi biển có khi còn nhiều tiền hơn...”.
Tình trạng chuộng sinh nhiều con không chỉ xảy ra ở các xã ven biển, gia đình theo nghề biển. Như ở xã Mỹ Quang, 8 tháng đầu năm 2017 có 12 trẻ là con thứ 3. Chị Đặng Thị Xuân Ngọc, chuyên trách dân số xã này cho biết, không chỉ gia đình có 2 con một bề là gái mới có nhu cầu sinh thêm con, mà vài năm gần đây dần phổ biến hiện tượng một số gia đình có đủ con trai, gái, có điều kiện kinh tế, rất quyết tâm sinh thêm con. Số này tập trung nhiều ở 2 thôn Bình Trị và Trung Thành 1, nơi có điều kiện sống, sinh hoạt và thu nhập kinh tế cao hơn các thôn còn lại.
Cần quyết liệt
Tại hội nghị sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2017 của ngành dân số tỉnh được tổ chức cuối tuần qua tại TP Quy Nhơn, vấn đề thời sự trên của công tác dân số miền biển Phù Mỹ được lưu tâm. Bởi con số tỉ lệ 24% của Phù Mỹ cao gấp 2 lần nếu so với một số địa phương như An Lão (10,9%), Vĩnh Thạnh (12,3%) và cũng cao hơn nhiều so với những huyện miền biển khác trong tỉnh, cùng chung nguyên nhân “chuộng con đông”, như Hoài Nhơn (10,8%), Phù Cát (12,3%).
Chia sẻ với khó khăn, thách thức lớn mà ngành dân số huyện Phù Mỹ đang đối diện, nhưng Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nguyễn Văn Quang cũng nhấn mạnh, ngành cần làm tốt công tác tham mưu cho huyện để quyết liệt chỉ đạo, sớm cải thiện tình trạng trên. Thay đổi lối nghĩ muốn đông con, khuyến khích người dân thực hiện đúng chính sách dân số, trong tình hình chung là ngân sách cho hoạt động truyền thông bị cắt giảm nghiêm trọng nhưng phải cố gắng linh động tìm nguồn để tổ chức những chương trình truyền thông phong phú, hiệu quả... Quyết tâm cải thiện tình trạng tăng nhanh tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên, khi đó mức sinh cũng sẽ giảm theo.
“Vấn đề hiện nay của Phù Mỹ cũng là khó khăn mà chừng 5, 7 năm trước, Phù Cát, Tuy Phước… từng gặp và giải quyết nhanh, hiệu quả. Kinh nghiệm ở đây là ngành làm tốt công tác tham mưu và các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể quyết liệt vào cuộc”, ông Quang gợi ý.
Theo ông Phùng Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, hiện nay, đội tàu thuyền có công suất lớn tại Vĩnh Lợi rất lớn, do đó cần một lượng lao động khá nhiều. Mặt khác, nghề biển ở Vĩnh Lợi cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với các ngành nghề khác; số con em Vĩnh Lợi nói riêng, một số vùng khác nói chung sau khi học về lại khó xin việc... Chính những điều này đã tác động không nhỏ đến nhận thức muốn sinh nhiều con của người dân xã Mỹ Thành. Bên cạnh đó, ông Sơn thẳng thắn nhìn nhận, công tác tuyên truyền của địa phương nói riêng, của ngành dân số nói chung có lúc, có nơi chưa thật sự đến nơi đến chốn…
SAO LY - THANH TRỌN