Ðặc sắc hóa trang mặt trong nghệ thuật tuồng
Chiếc mặt nạ là đạo cụ sân khấu quan trọng bậc nhất, làm nên hồn cốt, tính cách của nhân vật trong nghệ thuật tuồng. Mỗi mặt nạ tuồng có giá trị như một “mã văn hóa”. Chỉ cần nhìn vào cách vẽ mặt, người xem có thể biết ngay tính cách và vị trí xã hội của nhân vật.
Các diễn viên Đoàn tuồng Ánh Dương (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) đang biểu diễn. Ảnh: H.THU
Dân gian thường gọi cách thức hóa trang mặt của người nghệ sĩ tuồng là kẻ mặt, dặm mặt hoặc kéo mặt. Cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng khá độc đáo, đó là tùy theo tính cách của nhân vật tuồng, gương mặt của người nghệ sĩ được đắp một lớp bột phấn màu đỏ, màu trắng hoặc màu đen khá dày, nhìn trông giống như là đeo mặt nạ. Ngày trước, diễn viên tuồng dùng mặt nạ “đeo”, vì lúc bấy giờ người có khả năng biểu diễn không nhiều, một diễn viên phải sắm nhiều vai, vì vậy, họ dùng mặt nạ đeo để thay đổi vai cho dễ dàng. Có thể đây là sự bắt nguồn của chiếc mặt nạ tuồng chăng?
Nhà nghiên cứu Nguyễn An Pha, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, cho biết trong tuồng Bình Định, có một số hình mẫu hóa trang thành các loại mặt: mặt đen (thẳng ngay, trung thực như Bao Công), mặt đỏ (người trí dũng, chững chạc như Quan Công), mặt tròng xéo xanh (trung trực, vũ dũng, nóng tính như Khương Linh Tá), mặt tròng xéo đỏ (có thể biểu hiện nhân vật trung như Hoàng Phi Hổ hoặc là nhân vật nịnh như Võ Tam Tư), mặt lưỡi cày (người đoản hậu, nhát gan như Mao Ất)…
Mỗi mặt nạ tuồng khi được vẽ đều mang tính cách điển hình, tính cách ấy theo nhân vật đồng hành xuyên suốt từ đầu đến cuối vở diễn. Theo nhà nghiên cứu Mịch Quang, có hai loại mặt nạ đáng lưu ý nhất là mặt trắng và mặt rằn. Nghệ thuật tuồng đã chú ý đến cái đẹp của hành động chứ không phải cái đẹp diện mạo. Bởi có mặt trắng pha hồng phe trung như Địch Thanh, Tiết Nhơn Quý, Hứa Hớn Văn, thì cũng có mặt trắng phe nịnh như Lữ Bố, Lý Thông; có vai mặt rằn trung như Lưu Khánh, Trương Phi, thì cũng có mặt rằn nịnh như Tạ Ôn Đình, Xích Bảo... Như vậy, chỉ riêng trong hóa trang thôi, đã thể hiện cụ thể phạm trù cái đẹp trong mỹ học dân tộc.
Khi hóa trang mặt trên sân khấu tuồng, các nghệ sĩ thường chú trọng vào việc vẽ màu da, vẽ các đường nét trên khuôn mặt. Vẽ màu da, với da mặt màu đỏ chỉ người trung; da mặt màu trắng mốc chỉ kẻ xu nịnh; màu đen chỉ người chất phác, ngay thẳng, dễ giận; màu chàm là dân ở rừng hay tướng núi, v.v... Vẽ các đường nét trên khuôn mặt, chú trọng ở việc vẽ tròng mắt, mũi và lông mày. Tròng mắt (còn gọi là hố mắt) vẽ xéo ngược lên đến mang tai chỉ người có sức mạnh, anh hùng, hào kiệt. Tròng mắt vẽ hình mõ chim là người có tài năng đặc biệt. Người tuổi còn nhỏ thì hố mắt vẽ hình trái trứng gà, người già thì hố mắt vẽ lan rộng xuống tận gò má...
Dù khuôn mặt của nhân vật được bôi màu như thế nào chăng nữa, riêng vùng sát xung quanh mắt thường được để tự nhiên. Có nhà nghiên cứu cho đây là dấu vết của việc đeo mặt nạ ngày trước; có người còn giải thích, trong hát bội, con mắt của diễn viên cũng phải tích cực tham gia diễn xuất nên phải chừa trống như thế mới thấy được tinh thần của đôi mắt. Ông Nguyễn An Pha cho rằng, khi “chính mình vẽ mặt cho mình” thì người nghệ sĩ thể hiện sự vào vai một cách chuyên nghiệp, vì ai đóng vai nào sẽ vẽ vai ấy; và người nghệ sĩ có tài là người vẽ được nhiều mặt sẽ đóng nhiều loại vai. Về cơ bản, cách hóa trang mặt nạ tuồng ở ba miền Bắc - Trung - Nam đều giống nhau về việc sử dụng các gam màu vào tính cách của nhân vật, nhưng do ảnh hưởng từ văn hóa đặc trưng của vùng miền, nên mỗi nơi có cách thể hiện nét vẽ có thể khác nhau...
TRẦN XUÂN TOÀN