Trường học phải trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định
Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường học phải hoàn trả ngay cho phụ huynh những khoản thu trái quy định…
Ngay sau khi nhận được phản ánh của dư luận về tình trạng lạm thu đầu năm học tại một số cơ sở giáo dục, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng vào cuộc kiểm tra đột xuất tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Nghệ An. Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, Trưởng đoàn kiểm tra đã có những trao đổi “nóng” xung quanh kết quả kiểm tra này.
PV: Thưa ông, được biết những ngày qua, Thanh tra Bộ GD-ĐT đã kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở giáo dục có dấu hiệu lạm thu. Xin ông cho biết kết quả của đợt kiểm tra này?
Ông Tống Duy Hiến: Ngày 29.8.2017, Thanh tra Bộ đã ban hành Công văn số 746/TTr-NV2 về việc triển khai công tác thanh tra năm học, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện Công văn số 2974/BGDĐT-KHTC ngày 30.6.2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017 - 2018 và triển khai xây dựng kế hoạch thanh tra.
Ngay sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về tình trạng lạm thu tại một số cơ sở giáo dục, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 4 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An), các đoàn đã đến trực tiếp các cơ sở giáo dục báo chí phản ánh để làm rõ các khoản thu, xử lý và kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định.
Qua kiểm tra ở mức độ khác nhau, các cơ sở giáo dục mà đoàn đến kiểm tra đều đã tổ chức thu nhiều khoản, trong đó có những khoản thu không đúng quy định. Các khoản thu bao gồm:
Khoản thu bắt buộc: Học phí đối với Trung học cơ sở và Trung học phổ thông theo quy định của Nghị định 86/2015/NĐ-Cp ngày 2.10.2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Nhiều khoản thu thỏa thuận không đúng quy định
Khoản thu hộ: Bảo hiểm y tế. Khoản thu thỏa thuận gồm tiền học hai buổi trên ngày, tiền chăm sóc bán trú, tiền cơ sở vật chất phục vụ bán trú, tiền đồng phục, tiền tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, tiền kỹ năng sống, tiền sổ liên lạc điện tử, tiền bảo hiểm thân thể, tiền quỹ hội chữ thập đỏ, tiền quỹ khuyến học, tiền quỹ đoàn thanh niên, tiền quỹ lớp, tiền quỹ hội cha mẹ học sinh trường, tiền dạy thêm học thêm, tiền sử dụng điều hòa. Ngoài ra còn có tiền vở viết, tiền vở bài tập thực hành, tiền sách giáo khoa, tiền sửa chữa trong trường, tiền quỹ đồng hành cùng bạn đến trường, tiền quỹ đội, báo đội, tiền đề và giấy kiểm tra, tiền lao công, tiền tạp phí, tiền gửi xe, tiền ủng hộ cơ sở vật chất, tiền học ngoại khóa, tiền trải nghiệm theo chuyên đề, tiền mua máy chiếu, tiền lắp đặt điều hòa, tiền hỗ trợ bàn ghế….
Trong số các khoản thu thỏa thuận có nhiều khoản thu các trường này tổ chức thực hiện không đúng về quy trình theo quy định tại Điều 5 Thông tư 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10.9.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (Trường đứng ra trực tiếp thu, quy định mức thu, thu bình quân).
Nhiều khoản thu được Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu theo định mức bình quân trái với quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh và Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18.10.2010 hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Đặc biệt có địa phương Chủ tịch UBND xã phê duyệt mức thu và các khoản thu tự nguyện là không đúng quy định như Chủ tịch UBND xã Minh Tân huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng và Chủ tịch UBND phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh.
Phải trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định
PV: Như vậy, rõ ràng đã có những sai phạm trong hoạt động thu đầu năm học như báo chí và dư luận phản ánh. Hướng xử lý vi phạm của Bộ GD-ĐT như thế nào, thưa ông?
Ông Tống Duy Hiến: Tại các cơ sở giáo dục nơi đoàn kiểm tra đến, chúng tôi đã yêu cầu chấm dứt ngay việc thu các khoản thu trái quy định, khoản thu chưa được sự đồng thuận của phụ huynh, đồng thời hoàn trả ngay phụ huynh những khoản thu trái quy định; kiến nghị phòng GD-ĐT, UBND quận, huyện, Sở GD-ĐT kịp thời kiểm tra, thanh tra tất cả các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý trên địa bàn, chấn chỉnh và xử lý nghiêm sai phạm (nếu có) theo quy định.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, trách nhiệm xử lý trực tiếp và thường xuyên thuộc về chính quyền các địa phương.
PV: Sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GD-ĐT đã phần nào giải tỏa được những băn khoăn, bức xúc từ dư luận nhưng về cơ bản đây vẫn chỉ là xử lý theo sự việc, về lâu dài, dư luận xã hội rất mong Bộ GD-ĐT sẽ có những giải pháp quyết liệt để mỗi năm học mới, dư luận sẽ không còn phải nhắc lại câu chuyện muôn thủa là “lạm thu”. Ông có chia sẻ gì về vấn đề này?
Ông Tống Duy Hiến: Để giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu đầu năm học cần sự quyết liệt không chỉ từ phía Bộ GD-ĐT mà còn phải từ chính các địa phương, các cơ sở giáo dục và từ từng phụ huynh, giáo viên.
Kết luận kiểm tra, thanh tra của Bộ sẽ đạt hiệu quả cao nếu các địa phương cùng vào cuộc và kiên quyết xử lý các vi phạm, trước hết là xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu.
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, tới đây Bộ GD-ĐT sẽ xem xét sửa đổi Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT và các văn bản có liên quan đến thu chi đảm bảo thống nhất và phù hợp với thực tiễn thời gian qua.
Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương bố trí đủ kinh phí chi khác cho cơ sở giáo dục, đảm bảo tối thiểu 20% theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo nguồn chi cho các cơ sở. Có như vậy, tình trạng lạm thu mới từng bước được giải quyết.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Theo Bích Lan (VOV)