8 tháng đầu năm, cả nước có gần 700 ngàn lao động nông thôn học nghề
(BĐ) - Ngày 19.9, tại TP Quy Nhơn, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị giao ban về công tác đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ảnh). Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2016, có khoảng 1,7 triệu người được đào tạo trình độ sơ cấp. Tính đến hết tháng 8.2017, cả nước có trên 900 ngàn người được đào tạo trình độ sơ cấp, đạt 54,5% kế hoạch. Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong năm 2016, cả nước đã đào tạo khoảng 1 triệu động; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề trên 80%. Trong 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có gần 700 ngàn lao động nông thôn học nghề.
Bên cạnh những ưu điểm trong công tác phối hợp giữa các ngành từ Trung ương đến địa phương nhằm thực hiện trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; công tác đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề lao động nông thôn còn có nhiều hạn chế. Hiệu quả đào tạo nghề giữa các vùng trong cả nước không đồng đều; việc xác định danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở một số địa phương còn dàn trải; lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm. Hầu hết các địa phương đều phân bổ kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn chậm…
Trong những tháng cuối năm 2017, các địa phương tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện rà soát các danh mục nghề đào tạo đảm bảo nghề nông nghiệp phục vụ hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Dự kiến, trong 3 năm (2018 - 2020), tuyển sinh đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 5,5 triệu người; đào tạo nghề cho khoảng 2,74 triệu lao động nông thôn. Các giải pháp nhằm thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn là: tuyên truyền, tư ấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn; hàng năm rà soát, bổ sung nhu cầu đào tạo nghề; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề; xây dựng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả…
Hội nghị dành nhiều thời gian cho các địa phương, cơ sở đào tạo nghề nghiệp trao đổi về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị xung quanh công tác đào tạo; chia sẻ công tác đào tạo, cách làm hay của từng địa phương.
NGUYỄN MUỘI