Nhạc sĩ hòa âm người sáng tạo thầm lặng
Khi giới thiệu biểu diễn một ca khúc hay một bài khí nhạc, thường chỉ có hai đối tượng được nói đến là người sáng tác và người thể hiện. Vai trò của hòa âm - chuyển một văn bản nhạc thành một bài phối, bản nhạc nền hay, tạo nên sự hòa quyện, thăng hoa cho tác phẩm - vẫn chưa được công chúng biết đến nhiều.
Hòa âm, có thể hiểu nôm na là viết nhạc (nhạc nền, nhạc đệm) và hòa trộn âm thanh, đặt hợp âm sao cho hài hòa với giai điệu, ca từ, nhằm tạo ra hiệu quả nghệ thuật tổng thể để tôn lên tác phẩm âm nhạc.
Phải có sự cộng hưởng
Theo nhạc sĩ Đình Đạm (Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, hoạt động sáng tác, hòa âm và giảng dạy tại trường Trung cấp VHNT Bình Định), để hòa âm tốt, trước đó phải đọc bài, nghe qua và nghiên cứu kỹ để tìm ra phương án phù hợp.
Nhạc sĩ Đình Đạm với công việc hòa âm tại phòng thu cá nhân.
“Điều quan trọng là người hòa âm phải có cảm xúc, cộng hưởng với tác phẩm, bên hòa âm với phía sáng tác phải hiểu nhau, cùng trao đổi kỹ về ý tưởng thực hiện để hỗ trợ, thống nhất. Trong trường hợp thiếu sự cộng hưởng, đồng điệu như đã nói hay chưa thật sự tìm tòi sáng tạo, tác phẩm hoàn thành đưa “cha đẻ” nghe thử, họ lắc đầu và yêu cầu làm lại thì rất khó khăn, vì bên hòa âm thì “mất hứng” mà anh sáng tác cũng ngại giao phó những tác phẩm sau. May thay tình trạng ấy ở tỉnh ta không nhiều”, nhạc sĩ Đình Đạm chia sẻ.
Nhạc sĩ Thế Tuyên, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, cho rằng, lực lượng nhạc sĩ sáng tác trong tỉnh khá đông, trong khi số làm hòa âm rất ít, khoảng 6 người (không kể khí nhạc), tuy vậy anh em đã đáp ứng tốt nhu cầu trong tỉnh và còn được nhạc sĩ ngoài tỉnh tín nhiệm. “Một trong những ưu điểm của người làm hòa âm trong tỉnh là nhanh nhạy, chịu khó tiếp thu công nghệ và đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ để làm nghề. Bên cạnh đó, một số nhạc sĩ như Đình Đạm, Khắc Hùng vừa sáng tác vừa hòa âm nên rất thuận; hoặc như Kim Vân, phát huy thế mạnh của một nhạc công đa năng, cả nhạc cụ Tây phương lẫn dân tộc, khi kiêm thêm hòa âm cũng được đánh giá cao… ”, nhạc sĩ Thế Tuyên nhận xét.
Ghi nhận
Bên cạnh ca khúc, một mảng không thể không nhắc đến của âm nhạc Bình Định là khí nhạc. Người làm hòa âm trong tỉnh, bên cạnh hòa âm cho ca khúc còn có những người hòa âm về khí nhạc, thường kiêm luôn sáng tác. Đó hầu hết là những nhạc sĩ công tác tại 2 đơn vị sân khấu truyền thống của tỉnh: Nhà hát tuồng Đào Tấn và Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định.
Khi thưởng thức một ca khúc, bên cạnh cảm thụ nội dung, lắng nghe ca từ, khán thính giả thường bị ấn tượng bởi phần nhạc dạo đầu hay ở những phần điệp khúc, giang tấu, kết bài, hoặc có thể là toàn bộ nhạc nền. Ðó chính là phần việc của người làm hòa âm - công đoạn mắc xích quan trọng, tiếp tục sáng tạo trên cơ sở cộng hưởng cảm xúc với nhạc sĩ sáng tác, để chuyển tác phẩm thô trở nên dần hoàn chỉnh, trước khi vào khâu cuối là thu âm (giọng hát), biểu diễn.
Nhạc sĩ - NSƯT Gia Thiện, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát tuồng Đào Tấn, đảm nhiệm sáng tác, hòa âm phối khí và chỉ huy dàn nhạc ở đơn vị này, cho biết: “Nếu hòa âm cho ca khúc và ở nhạc cụ Tây phương được hỗ trợ khá nhiều bởi công nghệ, các phần mềm hòa âm thì hòa thanh dàn nhạc dân tộc được thực hiện theo cách truyền thống như xưa nay là trực tiếp trên dàn nhạc. Đây là điểm khác biệt lớn nhất. Nó giúp nhạc sĩ sáng tác, hòa âm khí nhạc dễ tiến bộ về chuyên môn hơn, nhưng cùng với đó, lao động nghệ thuật cũng vất vả hơn”.
Còn NSƯT Đinh Văn Nhân, nhạc sĩ sáng tác, hòa âm và chỉ huy dàn nhạc của Đoàn Ca kịch bài chòi bổ sung: “Không có điều kiện để tập nhiều, nháp nhiều, nghe đi nghe lại nhiều như trên máy, người hòa âm phải nghiên cứu thật kỹ, để ra bản tổng phổ cuối cùng, quá trình tập trên dàn nhạc chỉ chỉnh sửa đôi chỗ phụ. Hòa âm khí nhạc rất công phu nhưng đầy hấp lực, đặc biệt, vì hoàn toàn là sáng tạo nghệ thuật của con người nên gần như không có tình trạng na ná”.
Theo nhạc sĩ Thế Tuyên, cũng chính vì đặc điểm công việc có phần “ẩn” mà vai trò của người làm hòa âm chưa được nhìn nhận đúng mức. Tuy nhiên, đó là cách nhìn của người “ngoại đạo”, còn với những người trong nghề, đóng góp của khâu hòa âm được ghi nhận đầy đủ. “Thấy rõ sự thiệt thòi đó của anh em hòa âm và như một sự công nhận sáng tạo, đóng góp, tại chương trình kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam vừa qua - 3.9.2017 - chúng tôi đã thống nhất, tại mọi chương trình âm nhạc trong tỉnh, sẽ giới thiệu thêm tên nhạc sĩ hòa âm ở giữa tên tác giả sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn, như 3 bộ phận không thể tách rời”, nhạc sĩ Thế Tuyên cho biết.
SAO LY