Phải làm cho ra người chủ mưu phá rừng
Ðó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng tại cuộc họp với Viện KSND, TAND, CA, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện An Lão vào sáng 20.9, để nghe báo cáo tình hình, bàn phương hướng xử lý vụ chặt phá gần 61 ha rừng tại xã An Hưng (huyện An Lão).
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chủ trì cuộc họp về tình hình phá rừng trái pháp luật tại tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão).
Rừng bị phá gần trạm kiểm lâm
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ xác nhận: Đến nay, Sở đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các công chức kiểm lâm (KL) có liên quan và tạm đình chỉ 2 công chức trực chốt chặn tại Trạm KL Hoài Sơn (đặt tại thôn La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) và điều chuyển công tác 2 KL phụ trách địa bàn xã An Hưng (huyện An Lão).
Về trách nhiệm của địa phương, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, đã nhận khuyết điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh về thiếu sót của mình trong công tác chỉ đạo, điều hành quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) khi để xảy ra vụ việc đáng tiếc này. Đồng thời, ông Nam cũng cho rằng lực lượng Hạt KL huyện An Lão thực hiện việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng chưa thật sự nghiêm túc, nhất là ở các khu vực rừng giáp ranh. “Sau khi vụ phá rừng được làm rõ, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ có hình thức kỷ luật các cá nhân, tổ chức có liên quan; đồng thời, bản thân tôi cũng xin chịu hình thức kỷ luật do cấp trên đưa ra”, ông Nam thẳng thắn. Bên cạnh đó, ông Nam cũng kiến nghị: “Trạm KL Hoài Sơn chỉ cách hiện trường vụ phá rừng chừng hơn 5 cây số. Người ta đốn hạ, chở gỗ về xã Hoài Sơn chỉ có một tuyến đường độc đạo đi qua trạm. Nhưng không hiểu sao lực lượng làm nhiệm vụ ở đây không phát hiện, ngăn chặn được. Trách nhiệm của Trạm KL Hoài Sơn cũng cần được xem xét, xử lý”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm trong công tác phối hợp QL-BVR của Hạt KL huyện Hoài Nhơn. Ông Nguyễn Hồng Tấn, Hạt phó phụ trách Hạt KL huyện Hoài Nhơn, nói: “Sau khi nhận được thông tin từ quần chúng báo có hiện tượng xâm hại rừng ở tiểu khu 1, xã An Hưng, ngày 6 và ngày 7.8, Trạm KL Hoài Sơn đã báo cáo Hạt, Hạt đã thông tin cho đồng chí Phạm Phương Bắc, Hạt phó Hạt KL huyện An Lão nắm bắt, kiểm tra. Nhưng trên đó cứ ỷ y, chúng tôi nghĩ chắc không có gì”. Còn lý do gỗ vận chuyển qua đường độc đạo qua Trạm KL Hoài Sơn, nhưng không được ngăn chặn, ông Tấn cho rằng: “Trạm KL thành lập ngày 30.12.2016, nhưng có điểm bất cập chỉ làm việc trong giờ hành chính”.
Theo ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục KL, theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn ký, Trạm KL này phải hoạt động 24/24, nhưng lực lượng chỉ làm ban ngày, không làm ban đêm nên lâm tặc lợi dụng đưa gỗ xuống, Trạm này phải chịu trách nhiệm. “Sau khi xem xét, Chi cục tham mưu cho Sở NN&PTNT đã tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với các KL có liên quan ở 2 Hạt KL huyện An Lão và Hoài Nhơn; đồng thời, thành lập Hội đồng kỷ luật, ngày 21.9, Hội đồng sẽ xem xét kỷ luật những cán bộ KL có liên quan, kể cả lãnh đạo Hạt KL 2 huyện này”, ông Dũng quả quyết.
Đồ họa Hồng Quảng
Tạm đình chỉ công tác và xử lý nghiêm cán bộ liên quan
Qua báo cáo của các đơn vị chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho rằng: Đây là vụ phá rừng hết sức nghiêm trọng, dù là rừng phục hồi sau nương rẫy, nhưng thiệt hại lớn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, nhiều bộ, ngành của Trung ương cũng quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Tôi đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Hạt phó Hạt KL An Lão. Tạm đình chỉ công tác đối với KL phụ trách địa bàn xã An Hưng. Tổ chức kiểm điểm và xử lý nghiêm túc đối với cán bộ Trạm KL Hoài Sơn. Các đồng chí có liên quan từ Chủ tịch UBND xã An Hưng đến Chủ tịch UBND huyện An Lão, Hạt trưởng Hạt KL An Lão (đang đi học vào thời điểm xảy ra phá rừng - PV), Chi cục trưởng Chi cục KL, Giám đốc Sở NN&PTNT phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Tất cả các cán bộ liên quan đến vụ việc này phải bị xử lý nghiêm minh; ai chủ mưu, cầm đầu thực hiện vụ phá rừng phải làm cho ra. Đây là cả uy tín, danh dự của tỉnh, là trách nhiệm của tỉnh với Trung ương, với công tác QL-BVR”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, vụ phá rừng lần này là bài học rất sâu sắc để các ngành, các đơn vị có liên quan, chính quyền các địa phương quán triệt, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác QL-BVR trên địa bàn trong thời gian tới. “Từ nay trở đi nếu để xảy ra vụ việc phá rừng lớn thì hạt trưởng hạt KL huyện đó sẽ bị cách chức. Tôi cũng đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng quy chế về công tác xử lý cán bộ khi để xảy ra phá rừng; không phải khi xảy ra phá rừng chỉ nói kiểm điểm, rút kinh nghiệm là xong”, ông Dũng chỉ đạo.
TRỌNG LỢI