Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng: Chú trọng nhân lực, đổi mới hình thức
Ðội ngũ báo cáo viên tuy đông nhưng chưa “tinh”, hình thức hoạt động còn nặng về tuyên truyền một chiều từ trên xuống, việc tổ chức hội nghị thông tin định kỳ ở một số đơn vị cấp huyện và cơ sở chưa bảo đảm…, là những khuyết điểm, hạn chế cần khắc phục để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
Ngày 15.10.2007, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 17-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên (BCV) và tuyên truyền viên (TTV) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục.
Đổi mới phương thức hoạt động là yêu cầu đặt ra để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng. (Ảnh minh họa)
Chú trọng “nâng chất” nhân lực
Toàn tỉnh hiện có 426 BCV các cấp, trong đó có 5 BCV Trung ương, 49 BCV Tỉnh ủy, 372 BCV cấp huyện, cùng với đó là 4.145 TTV ở cơ sở. Đội ngũ BCV các cấp gồm các đồng chí cấp ủy viên, lãnh đạo các ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội; các đồng chí có kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền miệng…
“Sự bùng nổ của mạng xã hội hiện nay đem lại rất nhiều thuận lợi nhưng cũng gây ra không ít khó khăn cho hoạt động tuyên truyền miệng. Bởi lẽ, cùng một sự việc xảy ra lại có rất nhiều thông tin tác động, chia sẻ, bình luận làm cho hoạt động nghiên cứu, báo cáo, truyền đạt của BCV gặp nhiều bất lợi; thậm chí trong nhiều trường hợp còn tỏ ra lạc hậu về thông tin”
Ông TRƯƠNG TỨ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy An Lão
Vân Canh là một trong những địa phương chú trọng xây dựng đội ngũ BCV, TTV. Sau Đại hội Đảng bộ huyện các khóa XVI, XVII, XVIII, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đều tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập đội ngũ BCV của huyện; các cấp ủy đảng đã thành lập đội ngũ TTV đảm bảo về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, toàn huyện có 87 BCV, TTV; trong đó, 30 BCV cấp huyện, 57 TTV cấp xã.
Dù vậy, nhìn chung, số lượng BCV, TTV đông nhưng chưa mạnh, chất lượng không đồng đều; trình độ, năng lực của một số BCV, TTV còn hạn chế. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Vân Canh Đinh Văn Thiếu, một số BCV, TTV chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác tuyên truyền miệng. Đáng chú ý, một số nơi còn có dấu hiệu “đẩy việc” lên cấp trên. “Tôi biết cả tiếng Bana lẫn tiếng Chăm, nên nhiều nơi cứ gọi điện nhờ, ngay cả với các hội nghị, sự kiện bình thường mà cấp xã làm được họ cũng không làm”, ông Thiếu bày tỏ.
Để giải quyết vấn đề này, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Giờ cho rằng cần tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ BCV các cấp, đảm bảo về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng, gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. “Ban Tuyên giáo các cấp phải tăng cường quản lý đội ngũ BCV, TTV; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy chế hoạt động của BCV. Thêm vào đó, chế độ, chính sách cho BCV, TTV phải được thực hiện đầy đủ, kịp thời”, ông Giờ nói.
Hiện đại hóa hoạt động tuyên truyền
Bên cạnh yếu tố con người, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn đặt ra yêu cầu phải đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền miệng để thông tin đến cơ sở kịp thời và hiệu quả nhất. “Địa bàn phải tập trung quan tâm là nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là các vùng có triển khai các dự án lớn, cần sự đồng thuận của người dân. Quá trình tuyên truyền phải tăng cường tính đối thoại, không phải theo kiểu thông tin một chiều”, Phó Bí thư nhấn mạnh.
Việc đối thoại giữa BCV và người tiếp nhận rõ ràng là cần thiết, song trên thực tế lại gặp không ít khó khăn để đảm bảo hiệu quả. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy An Lão Trương Tứ, do đặc thù công việc và trình độ nắm bắt thông tin chung, thông tin sâu khác nhau nên nhiều BCV còn lúng túng khi giải đáp những vấn đề còn băn khoăn, bức xúc của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong quá trình tiếp xúc, báo cáo. Từ đó, từng bước tìm cách từ chối khi được mời, phân công báo cáo.
Trong khi đó, để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền miệng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phù Mỹ Phạm Quốc Ánh lưu tâm đến việc đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ. “Nhìn chung cơ sở vật chất ở cấp huyện được trang bị bảo đảm. Đối với các xã, thị trấn, một số nơi chưa được trang bị đèn chiếu, máy tính xách tay… để phục vụ cho công tác tuyên truyền miệng theo yêu cầu sinh động, mới mẻ, dễ tiếp nhận”, ông Ánh nhìn nhận.
NGUYỄN VĂN TRANG