Phước Thành: Ly nông bất ly hương
Vào những ngày này, ngược lên QL 19C về xã Phước Thành (huyện Tuy Phước), chúng tôi chứng kiến sự thay da đổi thịt của một xã miền núi vốn đầy khó khăn.
Một góc xã Phước Thành hôm nay.
Là xã miền núi nằm về phía Tây Nam của huyện Tuy Phước, phần lớn đất đai ở Phước Thành đều bạc màu nên năng suất các loại cây trồng đạt thấp so với các địa phương khác. Để thúc đẩy phát triển kinh tế ở địa phương, những năm qua, cấp ủy và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bước đầu đã cho những kết quả. Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển KT-XH thì hiệu quả còn chưa cao, đặc biệt là sự biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến việc sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở địa phương.
Ông Nguyễn Phi Khanh, một lão ông ở thôn Cảnh An 1, cho biết: “Gia đình tôi hiện đang canh tác hơn một mẫu đất, năm nào mưa thuận gió hòa thì thu được kha khá, nếu tính toán chi ly thì làm ruộng chẳng qua đủ ăn, mua thóc rẻ mà thôi”. Còn bà Nguyễn Thị Thủy, ở thôn Cảnh An 2, cho rằng: “Làm nông nghiệp luôn bị rủi ro về thời tiết cũng như giá cả, thị trường... trong khi nếu đi làm công nhân ở khu công nghiệp thì người dân có việc làm ổn định, mức thu nhập cao hơn và đời sống cũng được nâng lên so với trước đây”.
Xuất phát từ tình hình trên, cấp ủy và chính quyền xã Phước Thành đã đề ra nhiều giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung mọi nguồn lực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để giải quyết việc làm cho người dân.
Hiện nay trên địa bàn xã có 12 nhà máy, xí nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, may mặc, giày da, đá granite, sản xuất cây giống lâm nghiệp... thu hút hơn 1.500 lao động địa phương vào làm việc, với thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, nhờ vậy mà đời sống nhân dân đã được nâng lên. Năm 2016, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ của xã đạt 74,5%, tăng gần 2% so với kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36,3 triệu đồng, tăng hơn 2 triệu đồng so với năm 2015.
Theo ông Nguyễn Ngọc Báu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phước Thành, bên cạnh tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện và bền vững, xã Phước Thành phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tăng bình quân 15%/năm và chiếm 75% trong cơ cấu kinh tế địa phương.
Ông Báu nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát huy mạnh mẽ nội lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng công tác khuyến nông, khuyến công và tạo nguồn vốn, áp dụng các biện pháp KHKT để nhân dân có điều kiện phát triển các ngành nghề truyền thống, phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân”.
Có thể nói, chính sách phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ của xã Phước Thành đã thật sự đi vào cuộc sống, giúp người dân “ly nông bất ly hương”.
GIA HUỆ