Kiến nghị hội đồng trường được quyền chọn lựa hoặc phế truất hiệu trưởng
Ngày 21.9, tại Hà Nội, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý và kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Nhiều kiến nghị khá mới mẻ đã được hiệp hội đưa ra tại đây.
Ngoài bằng cử nhân, kỹ sử, hiệp hội kiến nghị có bằng chuyên gia
Cần cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân
Theo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (gọi tắt là Hiệp hội), Bộ GD-ĐT dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học vào năm 2018. Hiện nay, nhiều ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi 2 luật này đang được gửi tới Bộ GD-ĐT.
Quan điểm của Hiệp hội là việc sửa đổi, bổ sung nên được tiến hành trên cơ sở rà soát tất cả các điều của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học hiện hành để phân loại những nội dung trong các điều còn chưa hợp lý, bất cập so với tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI và đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung đảm bảo tính tổng thể của các luật này.
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội, Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT ban hành đã gần 4 năm. Tuy nhiên, đến nay nhiều nội dung của nghị quyết vẫn chưa đi được vào cuộc sống do vướng khá nhiều quy định đã không còn phù hợp ở các luật về giáo dục, trong đó có Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Do vậy cần sớm bổ sung, sửa chữa các luật này. Hiệp hội cho rằng, để tránh sự bất nhất ở các luật điều chỉnh thì Luật Giáo dục cần phải được chỉnh sửa trước. Việc chỉnh sửa đồng thời các luật là không hợp lý, lại càng không thể chấp nhận việc lấy nội dung của các luật “chuyên ngành” nhưng ban hành sau, cũng như văn bản pháp quy hiện hành để chỉnh sửa nội dung của luật “mẹ” (tức Luật Giáo dục) như đã từng làm thời gian qua.
Cụ thể, về nội dung Luật Giáo dục hiện hành, Hiệp hội cho rằng cần cấu trúc lại hệ thống giáo dục quốc dân cho phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 29/NQ-TW và thông lệ quốc tế (tại ISCED-2011).
Theo Hiệp hội, hệ thống giáo dục quốc dân thể hiện ở các luật về giáo dục hiện hành bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết, mà nếu không được sửa kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai gần của giáo dục Việt Nam. Hiệp hội cho rằng, hệ thống đó đi ngược lại một loạt định hướng quan trọng của Nghị quyết 29/NQ-TW như hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau THCS, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương; định hướng nghề nghiệp ở THPT: thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng - thực hành; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước...
Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị, khi sửa đổi phải bảo đảm hệ thống giáo dục quốc dân là một hệ thống giáo dục mở, gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; các phân hệ và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm giáo dục mầm non có nhà trẻ và mẫu giáo, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học có THCS và trung học toàn phần (trung học toàn phần lại bao gồm hai luồng THPT và trung học hướng nghiệp); giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp; giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Đề xuất có bằng chuyên gia
Khi đã điều chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân thì cũng phải sửa lại văn bằng chứng chỉ. Theo đó, Hiệp hội kiến nghị văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp trung học toàn phần (theo hai luồng THPT và trung học hướng nghiệp), bằng cao đẳng, bằng cử nhân, bằng chuyên gia (bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư…), bằng thạc sĩ và bằng tiến sĩ. Bên cạnh đó, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học để xác nhận kết quả học tập sau khi được đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, bao gồm chứng chỉ nghề sơ cấp, chứng chỉ nghề trung cấp, chứng chỉ nghề cao cấp, các chứng chỉ nghề nghiệp của một số nghề đặc thù.
Về giáo dục phổ thông, Hiệp hội kiến nghị sửa thuật ngữ “giáo dục phổ thông” thành “giáo dục cơ bản” và bổ sung nội dung về giáo dục trung học hướng nghiệp với 2 nhánh: giáo dục trung học kỹ thuật (hướng nghiệp nông) và giáo dục trung học nghề (hướng nghiệp sâu); thời gian đào tạo đều 3 năm như THPT. Đồng thời giữ nguyên trình độ cao đẳng ở giáo dục đại học, không chỉnh sửa lại theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần bổ sung các nội dung có liên quan tới việc phân tầng các cơ sở giáo dục đại học theo 2 định hướng nghiên cứu và ứng dụng - thực hành.
Về nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, Hiệp hội kiến nghị bổ sung khái niệm về trường tư thục hoạt động không vì lợi nhuận - là trường tư thục thỏa mãn 3 điều kiện: nhà đầu tư tự nguyện chuyển quyền sở hữu nhà trường cho cộng đồng xã hội; phần tích lũy hàng năm là tài sản chung không chia; các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Đặc biệt, về cụm vấn đề tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT, Hiệp hội kiến nghị sửa đổi luật theo hướng hội đồng trường là tổ chức quyền lực cao nhất trong nhà trường. Thành lập hội đồng trường đi kèm với việc xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản. Bổ sung vào nhiệm vụ của hội đồng trường quyền được chọn lựa hoặc phế truất hiệu trưởng nếu không thực hiện các quyết nghị của hội đồng.
Các ý kiến đóng góp này đã được Hiệp hội tập hợp gửi lên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, kiến nghị lên Quốc hội.
Theo LÂM NGUYÊN (SGGP)