Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh mà cần xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của họ...
Anh Võ Quốc Bình, một phụ huynh ở TP HCM vừa có đơn gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị giải tán Hội phụ huynh (Ban đại diện cha mẹ học sinh).
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm của lớp 3/2 (trường Tiểu học Hòa Bình, TP HCM), anh Bình đã không đồng ý với Thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp về việc mỗi phụ huynh đóng 400.000 để lót sàn gỗ cho lớp.
Trước đề xuất của anh Võ Quốc Bình, trả lời phỏng vấn VOV.VN sáng 22.9, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa thừa nhận, đúng là ở một số nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo như Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ở một số trường học đã lợi dụng Ban đại diện cha mẹ học sinh để đưa ra những khoản thu không đúng quy định. Để xảy ra tình trạng này có lỗi thuộc về Ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng chưa làm đúng trách nhiệm của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, không nên bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bởi họ là những người góp phần quan trọng kết nối giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh trong việc quản lý, chăm sóc, giáo dục học sinh. Nếu không có sự kết nối này thì việc quản lý, giáo dục học sinh sẽ không hiệu quả.
Trách nhiệm của nhà trường là chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục. Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường có thể truyền tải những nội dung nâng cao chất lượng giáo dục hay một số hoạt động thiết yếu của trường để tất cả phụ huynh trong trường, lớp biết.
Ngoài ra, nhiệm vụ và trách nhiệm của Ban đại diện phụ huynh là cần có sự tăng cường hơn nữa kết nối với các phụ huynh khác thông báo tình hình học tập, rèn luyện của học sinh. Tất cả hoạt động của Ban đại diện phụ huynh chủ yếu là cùng với nhà trường, thầy cô giáo xây dựng môi trường giáo dục tốt hơn.
Tuy nhiên, hoạt động của Ban đại diện phụ huynh không nên bị biến tướng thành những người, tổ chức thực hiện việc lạm thu, thu tiền không đúng quy định ở trong nhà trường.
Điều đáng lưu ý ở đây là chúng ta cần xem xét lại hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để sao cho họ làm việc theo đúng chức năng, hiệu quả công việc.
Bộ GD-ĐT sẽ xem lại Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu có điều gì bất hợp lý, chưa phù hợp với thực tế thì sẽ có sự điều chỉnh.
Trong Điều 10 của Thông tư 55 có quy định về Hội phí. Có thể ở một số nơi, Ban đại diện cha mẹ học sinh đã lách quy định này để thực hiện việc thu ở trong lớp, trường học không đúng quy định hay thu thêm những khoản tiền khác. Vì vậy, sắp tới, việc thu Hội phí được quy định là sự tự nguyện của các hội viên nên có thể việc quy định về Hội phí sẽ không còn được đưa vào Thông tư 55 nữa.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tăng cường hơn nữa việc giám sát thu chi ở các trường học để có sự chấn chỉnh kịp thời những bức xúc của xã hội đối với vấn đề lạm thu ở trường học.
Theo Bích Lan (VOV)