Mô hình trường học VNEN cấp THCS: Triển khai trên tinh thần tự nguyện
Ðầu năm học mới, trong khi một số địa phương trong nước thông báo ngừng triển khai mô hình VNEN cấp THCS thì người đứng đầu ngành GD&ÐT Bình Ðịnh lại cho biết sẽ tạo thêm các điều kiện cần thiết, giúp các trường tiếp tục thực hiện mô hình này.
Tiết học môn Khoa học - Xã hội của lớp 8A7, Trường THCS Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, do cô giáo Trương Thị Hồng Loan đứng lớp vào chiều 22.9.
Thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 22 trường THCS triển khai chương trình VNEN với 43 lớp 8 (1.324 học sinh), 20 lớp 7 (593 học sinh) và 12 lớp 6 (402 học sinh).
Chủ động, sáng tạo
Chiều 22.9, lớp 8A7, Trường THCS Phước Hiệp, huyện Tuy Phước học môn Khoa học - Xã hội, bài “Các nước tư bản chủ nghĩa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” (môn Lịch sử) do cô giáo Trương Thị Hồng Loan giảng dạy. Lớp chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 5 - 6 học sinh. Mở đầu tiết học, một học sinh đứng lên trình bày về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Kết thúc phần trình bày, các thành viên của 4 nhóm còn lại lần lượt bổ sung các nội dung cần thiết. Sau đó, cô Loan dành 15 phút chốt lại. Tiếp đó, một em của nhóm khác đứng lên trình bày về chính sách đối ngoại của các nước này cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Tương tự như lần trước, 4 nhóm còn lại bổ sung và cô Loan chốt lại kiến thức.
Chương trình toàn cấp THCS của mô hình VNEN và chương trình hiện hành của Bộ GD&ÐT không có gì khác nhau, chỉ là chương trình của VNEN được sắp xếp lại theo hướng được cho là hợp lý hơn, học sinh chủ động tiếp cận với kiến thức nhiều hơn.
Nếu hướng tới mục tiêu trang bị cho học sinh những kỹ năng để khi học xong chương trình phổ thông, đã có ngay một số kỹ năng làm việc, có thể chủ động trong việc định hướng phát triển cuộc sống cá nhân; trong quá trình học, ngoài việc tiếp nhận kiến thức, học sinh còn biết cách tìm tòi, sáng tạo, biết cách phối hợp kiến thức đó, thì chương trình VNEN đáp ứng những yêu cầu đó.
Nếu hướng tới mục tiêu học thật nhiều để đỗ vào 10, đỗ tốt nghiệp, thi đậu đại học thì không cần thiết phải học theo Chương trình VNEN. Thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay tạo nhiều rào cản với VNEN, trong đó rào cản lớn nhất là tư duy của phụ huynh, học sinh và không dễ thay đổi điều này. Dù đã có một bộ phận phụ huynh đầu tư cho con mình theo học các trường nhẹ nhàng, hài hòa giữa kiến thức, thể chất, tinh thần trí tuệ, nhưng VNEN vẫn còn bị ngờ vực.
“Các em phải tự đọc, tìm hiểu kiến thức trước ở nhà. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn và định hướng các em. Đến năm học VNEN thứ ba này, học sinh của tôi đều có khả năng tự học, tự nghiên cứu và trình bày bài trước lớp”, cô Loan cho hay.
Trường THCS Phước Hiệp hiện có 6 lớp VNEN, gồm 3 lớp 7 và 3 lớp 8 với 154 học sinh. Hai năm học qua, mô hình VNEN được trường triển khai khá suôn sẻ nhờ giáo viên, nhà trường và phụ huynh đồng thuận.
“So với học sinh các lớp khác, học sinh VNEN có khả năng trình bày, nói trước đám đông tốt hơn. Đặc biệt, các em luôn mạnh dạn tự tin trong thảo luận, trao đổi với giáo viên”, Hiệu trưởng Huỳnh Văn Hải trao đổi.
Qua khảo sát, sau 3 năm triển khai VNEN trên địa bàn tỉnh ở các lớp 6, 7, 8, học sinh và giáo viên đã dần quen với cách dạy - học. Theo các hiệu trưởng, trong năm đầu tiên thực hiện, số học sinh dưới 5 điểm khá nhiều do giáo viên không ôn tập nhiều và ôn chung chung những phần đã dạy và cho đề kiểm tra, nhưng trong 2 năm qua, hầu như không còn học sinh dưới điểm trung bình nhờ giáo viên đã biết cách ôn tập kỹ hơn.
Hay, nhưng… chưa yên tâm
Năm học này, Trường THCS Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) có 2 lớp 6 học chương trình VNEN. Hiệu trưởng Ngô Đình Tấn cho biết, Trường không dạy hết cho khối 6 mà chỉ chọn dạy 2 lớp với 75 học sinh; trước đó trường đã lập danh sách và tuyên truyền để học sinh và phụ huynh biết, đăng ký vào lớp VNEN. “Có không ít người đăng ký vào, sau đó đổi ý xin ra, trong đó có lý do đã vào năm học rồi mà chưa có sách giáo khoa của VNEN và giá tiền mua sách cao hơn ”, thầy Tấn trò chuyện.
Có những điều lo lắng về chất lượng vì theo mô hình VNEN, giáo viên là người dạy kiêm ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh và trong một năm học, số lượng bài kiểm tra ít hơn so với chương trình hiện hành, trong khi Ban giám hiệu nhà trường hầu như không được can thiệp nhiều. “Chưa có lứa học sinh VNEN nào tham gia thi học sinh giỏi lớp 9 và kỳ thi vào lớp 10 công lập, nên chưa thể khẳng định hiệu quả của mô hình. Bởi vậy, không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng. Còn một điều làm phụ huynh không yên tâm lắm là việc dạy VNEN phụ thuộc nhiều vào giáo viên”, thầy Tấn phân tích.
Để chuẩn bị cho năm học mới 2017 - 2018, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát các điều kiện triển khai mô hình VNEN của mình và đăng ký với Sở tiếp tục hay dừng, trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Về phần mình, Sở đã và đang làm hết sức trong khả năng bằng cách tổ chức nhiều đợt tập huấn để hướng dẫn các trường thực hiện hiệu quả mô hình này.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Trong năm học tới, khi các học sinh VNEN đầu tiên tham gia thi tuyển vào lớp 10 công lập, Sở tổ chức đề thi sao cho phù hợp cả với học sinh VNEN và học sinh của chương trình hiện hành. Trên thực tế, mô hình VNEN có những quy định, nhất là về cơ sở vật chất mà không phải trường THCS nào trong tỉnh cũng có thể đáp ứng ngay vào lúc này. Sở sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tham mưu các cấp đầu tư giúp các trường có mong muốn đáp ứng yêu cầu triển khai VNEN. Thực tế cho thấy, chương trình, cách dạy của chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm tương đồng với mô hình VNEN, trường nào đã triển khai VNEN sẽ có những thuận lợi nhất định!”.
NGỌC TÚ