An toàn lao động trên biển: Cần được coi trọng hơn
Với nghề khai thác hải sản trên biển, môi trường lao động khắc nghiệt, ngư dân cần phải trang bị cho mình đủ kiến thức cũng như phương tiện bảo hộ nhằm hạn chế các rủi ro, tai nạn nghề nghiệp luôn rập rình.
Nghề khai thác hải sản mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho ngư dân nhưng cũng nhiều rủi ro vì môi trường làm việc khắc nghiệt.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), 8 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 48 vụ tai nạn tàu cá, trong đó có 11 vụ ngư dân gặp tai nạn trong lúc lao động. Hầu hết các vụ tai nạn đều để lại thương tích cho ngư dân; một vài trường hợp tử vong, để lại nỗi đau và gánh nặng cho gia đình.
Nhiều bất trắc trên biển
Cuối tháng 8.2017, làng biển Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) bàng hoàng nhận tin tài công La Tình đột ngột tử vong trên biển do bị tời cuốn. Ông Tình là người đi đầu trong áp dụng bộ thiết bị và quy trình câu cá ngừ đại dương, xử lý, bảo quản sản phẩm cá ngừ theo kiểu Nhật Bản. Ngày 26.8, tàu cá của tài công La Tình đang khai thác thủy hải sản trên biển thì một ngư dân trên tàu là ông Võ Kỳ (ở thị trấn Tam Quan, Hoài Nhơn) chẳng may bị tời cuốn. Trong lúc ra cứu bạn thuyền, ông Tình không may trượt chân nên bị tời quấn tử vong. Còn ngư dân Kỳ bị thương rất nặng, phải đưa vào bờ cứu chữa. Đây là một trong số các vụ tai nạn lao động thương tâm trên biển.
Theo Sở NN&PTNT, lao động đi biển là loại lao động nặng nhọc và thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Ngư dân thường xuyên làm việc ngoài trời trong thời gian dài (mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 15 - 30 ngày), chịu tác động trực tiếp của thời tiết (nắng, gió, muối biển)… Nhưng ngư dân cũng là đối tượng hành nghề chủ quan nhất. Đa số làm việc dựa vào kinh nghiệm là chính. Trong số 11 vụ ngư dân gặp tai nạn lao động trên biển từ đầu năm 2017 đến nay, phần lớn tai nạn xảy ra là do ngư dân chủ quan, thiếu ý thức. Chẳng hạn như đa phần ngư dân không sử dụng áo phao dù đây là tư trang bảo hộ lao động; tàu cá không có nhà vệ sinh, ngư dân thường ra be tàu vệ sinh cá nhân nên bị trượt chân té xuống biển, mất tích…
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 4, cho biết: Các địa phương, các ngành liên quan đã nhiều lần quán triệt, tập huấn Nghị định của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản, song ngư dân vẫn chủ quan khiến tai nạn xảy ra. Hơn nữa vì sinh kế, các tàu cá lại thường tìm cách tách xa nhau để tìm luồng cá nên khi bị nạn, có thông báo cũng không kịp ứng cứu. Các ngư dân làm việc trên tàu theo kiểu “cha truyền con nối” nên thiếu kiến thức cập nhật về an toàn lao động, lúc xảy ra tai nạn thì xử lý lúng túng.
Nâng cao nhận thức cho ngư dân
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), nhìn nhận, đa phần các vụ tai nạn lao động trên biển là do tời, neo quấn, bị lật thúng, bất cẩn trong lúc đi vệ sinh bị rơi xuống biển. Bên cạnh sự chủ quan của ngư dân dẫn tới các vụ tai nạn lao động, lãnh đạo Chi cục Thủy sản cũng chỉ ra bất cập trong công tác đảm bảo an toàn lao động cho thuyền viên hiện nay. Đó là có quá ít lớp tập huấn chuyên môn về kiến thức an toàn lao động cho ngư dân.
“Trong số 6.470 tàu/44.640 lao động đang làm việc trên biển, thì 2 năm qua (2015-2016) chỉ có 340 ngư dân được tập huấn về kiến thức này. Đáng chú ý, số ngư dân này được tập huấn theo Nghị định 67 thông qua chương trình phát triển tàu cá vỏ thép. Còn lại các ngư dân khác chủ yếu tiếp cận, nắm bắt kỹ năng xử lý rủi ro gặp phải trong lúc lao động thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật biển đảo “ngắn hạn” do các cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đóng ở các địa phương thực hiện”, ông Vinh cho biết.
Để giảm thiểu những tai nạn rủi ro cho lao động trên biển, ông Vinh khuyến cáo: Các cơ quan hữu quan cần tăng cường công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật, đặc biệt chú trọng tới các trang thiết bị an toàn cho người như: Ngư dân hoạt động trên tàu phải có áo phao. Hệ thống dây cáp tời, neo chịu lực cần được kiểm tra kỹ lưỡng, đề phòng nguy cơ đứt cáp trong lúc hoạt động. Ở những khu vực làm việc nguy hiểm như tời, neo, ngư dân cần cảnh giác, ý thức cao độ về mức độ an toàn. Chủ tàu cần thường xuyên nhắc nhở ngư dân đảm bảo an toàn lao động trong lúc làm việc; đồng thời, có trách nhiệm phổ biến, đưa ngư dân đi tập huấn an toàn lao động. Đối với các tàu câu mực, ngoài trang bị áo phao cho ngư dân khi xuống thúng cần phải trang bị thêm dây an toàn kết nối giữa thúng với tàu, đề phòng trường hợp thúng trôi dạt ra xa khi gặp sóng to, gió lớn.
TRỌNG LỢI