Viện dưỡng lão: Tại sao không?
Ðã có thời người ta cho rằng, để bố mẹ già vào viện dưỡng lão là “bất hiếu”. Song, trong đời sống hiện đại, với nhiều người già, viện dưỡng lão lại là lựa chọn tối ưu.
Khi con cháu không có điều kiện chăm sóc, cũng đừng nghĩ vào viện dưỡng lão là tội nghiệp. Sách “Café cùng Tony” có kể chuyện về lựa chọn ở viện dưỡng lão của người già Hà Lan. “Ở viện dưỡng lão sẽ an toàn hơn cho người già. Khi bị cao huyết áp hay té ngã, bấm chuông một cái là 5 phút sau có y tá, bác sĩ vào xử lý (...). Còn ở nhà, bị như vậy, gọi điện thoại, con cái từ cơ quan nó quýnh quáng chạy về, rồi nó chở đi, rồi kẹt xe... thì có khi đã chết trên đường. Chưa kể việc mình vô đó, con cái nó yên tâm công tác, làm việc hết mình, đi du lịch khắp nơi cho thỏa cuộc đời, hem có thấp thỏm lo sợ 2 thân già ở nhà cô quạnh”.
Nhiều người già cần đời sống tinh thần thoải mái, tránh những va chạm trong cuộc sống hằng ngày với con cháu. Ảnh minh họa
Vì mình, vì con
Vợ chồng ông Nam, bà Hải (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) là công chức nghỉ hưu. Hai cô con gái đều chưa chồng, đứa sống ở TP Hồ Chí Minh, đứa làm việc ở Hà Nội. Lễ, tết các con mới về nhà, tíu tít vài ngày lại đi. Ông bà bảo, như thế lại hay, chứ tụi nó ở lâu chưa chắc đã giữ được không khí vui vẻ.
“Nói chuyện thì trái khoáy quan điểm. Nếp sinh hoạt càng ngược, vợ chồng tôi dậy sớm, giường chiếu gọn gàng rồi làm gì thì làm. Tụi nó thì thức khuya, dậy cũng đã ngấp nghé trưa, lên phòng thì ngổn ngang quần áo, máy móc. Vài ngày thì cố nhịn, chứ ở một tuần thì ngứa miệng, thể nào cũng lời qua tiếng lại, xích mích không đâu vì những chuyện vụn vặt. Thế nên, chúng tôi xác định sống riêng, có gì thì tìm vào viện dưỡng lão, tốt cho mình mà cũng thuận cho con”, bà Hải chia sẻ.
Tương tự là hoàn cảnh của vợ chồng ông Thanh, đều là giáo viên nghỉ hưu, nhà ở phường Lê Lợi (TP Quy Nhơn). Con trai nhỏ ở TP Hồ Chí Minh, làm việc cho một công ty nước ngoài chuyên về hóa dầu. Cô con gái lớn học ở Trường ĐH Quy Nhơn rồi ra dạy gần nhà, ông bà cũng tính “bắt rể” để có chỗ nương nhờ. Nhưng rồi, cô giáo trẻ chán, vào TP Hồ Chí Minh dạy học. Chẳng bao lâu, cô lại làm ba mẹ “bật ngửa” khi lập gia đình với chồng ngoại, sinh con xong dẫn nhau qua Úc định cư.
Ông bà nhất quyết không vào Sài Gòn với con trai, không phải vì không hợp với con mà chẳng thể thích nghi với cuộc sống bức bí, chật chội; ra nước ngoài sống thì càng không nghĩ tới. Hai người cùng tuổi, sức khỏe cũng “xuống” như nhau. “Bà ấy bị viêm dạ dày, tôi bị đau khớp. Nhiều lúc cả hai cùng đau, không chăm sóc được lẫn nhau, nên cũng đã tính đường vào viện dưỡng lão để được chăm sóc tốt hơn. Ở đó có người cùng trang lứa, cùng đánh cờ, nói chuyện thời sự, cũng thú lắm chứ”, ông tâm sự.
Chưa có cung
Tuy nhu cầu là có thật và ngày càng tăng, nhưng ở Bình Định vẫn chưa có viện dưỡng lão cũng như cơ sở cung cấp dịch vụ nuôi dưỡng, chăm sóc người già tập trung. Ông Nguyễn Quỳnh - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, cho biết đã có một số trường hợp tìm đến, đề nghị được sống ở đây theo mô hình “xã hội hóa”. Tuy nhiên, điều kiện hiện tại chưa cho phép Trung tâm đáp ứng nhu cầu này. “Thời gian tới, khi được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất xứng tầm, chúng tôi sẽ từng bước tính đến triển khai dịch vụ này”, ông Quỳnh nói.
Anh Võ Văn Minh, làm việc trong ngành Y tế, hiện sống ở thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) cũng là người quan tâm đến vấn đề này. Qua tìm hiểu, anh cho biết nhu cầu sống ở viện dưỡng lão của người dân nông thôn cũng không thua kém người thành thị. Anh đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một viện dưỡng lão ở khu vực ven biển. Tuy nhiên, “đau đầu” nhất là nhân lực, bởi những người làm việc ở đây không chỉ giỏi về chuyên môn y tế mà còn phải thật sự am hiểu tâm lý người già và chịu thương, chịu khó.
Tại TP Quy Nhơn, cũng đã có một số người mong muốn xây dựng viện dưỡng lão. Vấn đề quan trọng đặt ra là phải có tiềm lực kinh tế và địa điểm xây dựng phù hợp, cung cấp được dịch vụ chất lượng cao. Bởi, lựa chọn viện dưỡng lão đa phần là những người khá giả, muốn có đời sống độc lập, yêu cầu cao về chuyên môn y tế. Người Việt vẫn hay nói: “Khi còn trẻ bán sức khỏe lấy tiền, về già, dùng tiền mua sức khỏe”.
Và như thế, một viện dưỡng lão ở Bình Định đang là mong mỏi của nhiều người, khi cuộc sống mới đã hình thành quan niệm thoáng hơn về quan hệ cha mẹ - con cái...
Tính đến đầu năm 2017, toàn tỉnh có 215.800 người cao tuổi, chiếm 13,7% tổng số dân; Bình Ðịnh đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Quan tâm đến chất lượng sống của người già là vấn đề quan trọng được đặt ra, trong đó có đảm bảo nhu cầu được chăm sóc toàn diện về sức khỏe lẫn tinh thần. Ở các nước phát triển, bên cạnh các viện dưỡng lão cao cấp dành cho người giàu, còn có các viện dưỡng lão do nhà nước đầu tư cho người thu nhập thấp.
MAI LÂM