Chuẩn hóa, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo dạy nghề sơ cấp: Nỗ lực triển khai, kết quả tích cực
Trong tháng 8 và tháng 9.2017, hai lớp bồi dưỡng kỹ năng nghề điện dân dụng và nghề chế biến món ăn cho đội ngũ nhà giáo dạy nghề trình độ sơ cấp trên địa bàn tỉnh đã được triển khai và thu về kết quả tích cực. Hoạt động này thể hiện nỗ lực chuẩn hóa về tiêu chuẩn kỹ năng nghề, kết hợp với bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho nhà giáo trình độ sơ cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đầu bếp của FLC Quy Nhơn (thứ hai từ phải sang) hướng dẫn giáo viên dạy nghề nấu ăn chế biến và trình bày món Âu.
Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định: Nhà giáo dạy trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề. Nhằm đảm bảo quy chuẩn về chứng chỉ kỹ năng nghề cho giáo viên, các lớp bồi dưỡng được triển khai. Tuy nhiên, không dừng lại ở mục đích này, các lớp bồi dưỡng nhà giáo dạy nghề sơ cấp còn làm tròn nhiệm vụ cập nhật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cần thiết để hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề của giáo viên.
Ghi nhận tại lớp bồi dưỡng giáo viên dạy nghề nấu ăn tổ chức tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn vào giữa tháng 9 vừa qua, phản hồi của những học viên đã dày dạn kinh nghiệm với nghề đều rất tích cực.
“Sở LÐ-TB&XH sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh mở tiếp các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho nhà giáo các nghề khác”
Giáo viên Đỗ Thị Vân, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Thời gian qua, tôi cập nhật kiến thức và kỹ năng chủ yếu thông qua internet. Tuy nhiên, đầu bếp trên mạng phần lớn chỉ trình diễn kỹ thuật chứ không nói sâu về bản chất, nguyên lý cho nên khi vận dụng vào thực tế thường không hoàn hảo. Chẳng hạn, học nấu sữa bắp trên mạng nhưng khi nấu thực tế sữa lại bị đắng, có vị nhân nhẩn. Đến khi vào lớp, tôi được hướng dẫn các kỹ năng, giải thích về một số nguyên lý còn khuyết như: giữ cho món heo quay giòn lâu, nấu nước soup sao cho trong, không bị nát nguyên liệu... Ngoài ra còn được cập nhật thêm các món Á, Âu mới; cách làm rau câu 3D. Tất cả kỹ năng, kỹ thuật đó đều có giá trị thực tiễn, giúp tôi có những bài giảng phong phú, sắc sảo hơn”.
Không chỉ có được phản hồi tích cực từ phía các giáo viên đứng lớp, nhiều học viên cũng hết sức hào hứng với các kỹ thuật, món ăn mới, hiện đại. Phụ trách xây dựng các bài giảng cho giáo viên dạy nghề nấu ăn lần này là cô giáo Lê Thị Tuyết Minh, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Trên cơ sở khảo sát ý kiến của học viên, chị tổng hợp và xây dựng các bài giảng thiên về cập nhật kỹ thuật mới, món đang được ưa chuộng. Hai khách mời là đầu bếp món Á và món Âu của FLC Quy Nhơn cũng có nhiều hướng dẫn, chia sẻ giá trị với các học viên.
“Có cái khó là thời gian của lớp bồi dưỡng khá ngắn, chỉ trong 40 giờ đồng hồ (5 ngày học). Trong khi đó, mỗi học viên đến lớp đều mang theo một hoặc nhiều nguyện vọng về những kỹ năng mà họ còn yếu hoặc muốn cập nhật thêm. Chính vì thế, tôi cố gắng dung hòa giữa các mong muốn của 20 học viên, đảm bảo cho anh chị em nào cũng có được những kiến thức mới, bổ ích nhất sau khi kết thúc khóa học”, chị Minh chia sẻ thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tỉnh khá quan tâm đến công tác chuẩn hóa, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhà giáo dạy nghề sơ cấp khi bố trí khoảng 100 triệu đồng từ ngân sách tỉnh để mở 2 lớp bồi dưỡng trong năm 2017. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh mở tiếp các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho nhà giáo các nghề khác.
“Trong việc mở lớp, chúng tôi lựa chọn kỹ lưỡng các đơn vị giảng dạy có uy tín trong và ngoài tỉnh như Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thủ Đức, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn... nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, góp phần thu hút sự quan tâm của học viên”, ông Hùng trao đổi.
NGUYỄN MUỘI