Tiện ích từ khai sinh “3 trong 1”
Khi làm giấy khai sinh cho trẻ dưới 6 tuổi, người dân sẽ đồng thời được thực hiện luôn các thủ tục đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT. Cách làm “3 trong 1” này giảm phiền hà cho dân, góp phần tiết kiệm chi phí xã hội.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính là mục đích chính của Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT do liên bộ Tư pháp, Công an và Y tế ban hành ngày 15.5.2015 hướng dẫn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi.
Chị Nguyễn Thị Vinh - cán bộ Tư pháp - hộ tịch xã Hoài Hảo (Hoài Nhơn) hướng dẫn ông Lê Thanh Huyện làm thủ tục khai sinh “3 trong 1” cho cháu nội.
Tiện và lợi
Chiều 20.9, ông Lê Thanh Huyện (ở thôn Cự Lễ, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) đến UBND xã Hoài Hảo đăng ký làm giấy khai sinh cho cháu nội Lê Hoàng Như Lan, sinh ngày 18.8. Mang theo sổ hộ khẩu và giấy chứng sinh, ông Huyện được chị Nguyễn Thị Vinh - cán bộ Tư pháp - hộ tịch xã Hoài Hảo hướng dẫn viết tờ khai đăng ký khai sinh. Ông cũng chọn hình thức “3 trong 1”: làm giấy khai sinh đồng thời với đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT cho cháu.
“2 năm nay, tôi đã đi làm giấy tờ cho 4 đứa cháu nội theo hình thức này. So với trước đây, giấy tờ đơn giản hơn nhiều, cũng chẳng phải đi nhiều lần, gõ nhiều cửa mới làm xong 3 thủ tục đầu đời cho cháu”, ông Huyện nói.
Đến đăng ký cùng lúc với ông Huyện là anh Nguyễn Ngọc Ngà (ở thôn Phụng Du 1). Bé Nguyễn Trần Thùy Dương (sinh ngày 5.8) là con gái đầu lòng, nên anh Ngà không khỏi bỡ ngỡ trước các loại giấy tờ. “Cũng may, được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, lại cùng lúc giải quyết nhiều thủ tục, chứ không còn khổ nữa”, anh Ngà chia sẻ.
Theo quy trình cũ, để thực hiện đăng ký khai sinh, thường trú và cấp thẻ BHYT, người dân phải đến các cơ quan Nhà nước tối thiểu 6 lần để khai nộp hồ sơ và nhận kết quả; nộp 2 bản sao giấy khai sinh khi thực hiện đăng ký thường trú và cấp thẻ BHYT. Việc đi lại và khai báo nhiều lần các thông tin cá nhân trùng lắp (họ tên, ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quốc tịch, nơi cư trú, họ tên cha, mẹ...) mất thời gian, tăng chi phí và dễ sai sót. Còn quy trình mới sẽ giảm được 4 lần đi lại, cắt giảm được 8 loại giấy tờ cùng 4 loại bản sao giấy tờ trong thành phần hồ sơ, giảm chi phí và tránh được những sai sót không đáng có.
Theo chị Nguyễn Thị Vinh, bình quân mỗi tháng có gần 20 trường hợp đăng ký khai sinh tại UBND xã Hoài Hảo. Tích hợp các thủ tục hành chính có ưu điểm vượt trội là tiết kiệm chi phí, giảm thiểu khó khăn cho người đi đăng ký. Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Hoài Nhơn Võ Đông Giang cho biết: “Khai sinh “3 trong 1” được thực hiện đồng loạt ở tất cả các xã, thị trấn. Đây là biểu hiện cụ thể của chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả “một cửa”, “một cửa liên thông” ở cơ quan hành chính”.
Cần gỡ khó
Theo quy định, thời hạn thực hiện liên thông các thủ tục hành chính “3 trong 1” là không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu chỉ liên thông “2 trong 1” (đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT) thì thời hạn thực hiện không quá 12 ngày làm việc. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số địa phương, thời hạn này vẫn chưa được đảm bảo; hoạt động liên thông cũng chưa được đồng bộ. “Đặc biệt là tại các xã miền núi, khoảng cách từ UBND xã đến cơ quan BHXH rất xa, lượng người đăng ký thực hiện liên thông lại không nhiều. Thêm vào đó, cán bộ tư pháp - hộ tịch ở một số xã chuyên môn còn hạn chế, chưa thể làm trơn tru theo quy định liên thông thủ tục”, Phó trưởng phòng Hành chính tư pháp (Sở Tư pháp) Trương Hoài Nam nhận định.
Qua tìm hiểu thực tế, khi thực hiện mô hình “3 trong 1”, cán bộ tư pháp - hộ tịch các xã được giao nhiệm vụ nhiều hơn, phải trực tiếp thu phí, đi lại nhiều nơi, giữ một số giấy tờ gốc quan trọng (như sổ hộ khẩu) nhưng quyền lợi chưa được đảm bảo. Hầu hết lãnh đạo xã khi được hỏi đều than khó, vì kinh phí hạn hẹp nên không thể thực hiện chế độ thù lao, phụ cấp cho công việc này.
Để giải quyết những khó khăn đó, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan cho hay: “Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành trung ương quy định cụ thể số lượng biên chế và có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, góp phần “giảm tải” cho họ”.
Theo Bộ Tư pháp, mô hình một cửa liên thông “3 trong 1” thực hiện trên phạm vi toàn quốc sẽ tiết kiệm được khoảng 140 tỉ đồng mỗi năm từ việc giảm số lần đi lại, chi phí in sao giấy tờ. Ðây cũng là điều kiện để đánh giá thái độ, cung cách làm việc, chất lượng cán bộ, nhân viên làm thủ tục hành chính.
NGUYỄN VĂN TRANG