Vang xa thương hiệu “Bánh tráng Trường Cửu”
Làng nghề bánh tráng Trường Cửu (thôn Trường Cửu, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn) đã có từ rất lâu đời.
Bánh tráng Trường Cửu có khách hàng trong cả nước, nhưng đặc biệt “ăn” mạnh là ở các tỉnh Tây Nguyên. Bà Nguyễn Thị Sáu, chủ một hộ làm nghề tráng bánh ở xóm Nam, thôn Trường Cửu, cho biết: “Bánh tráng Trường Cửu xưa nay làm bằng loại gạo dẻo thơm. Để bánh dẻo, thơm, không bở, người ta gia thêm bột mì, mè vào bột. Khi tráng bánh phải lắc thật đều tay để bánh tròn, đẹp, không chỗ dày chỗ mỏng, có độ sáng bóng, nướng phồng đều”.
Một hộ dân làm nghề sản xuất bánh tráng theo phương pháp thủ công ở thôn Trường Cửu.
Đang loay hoay bưng những chiếc vỉ đựng bánh để phơi, ông Lưu Minh Đức (chồng bà Sáu) thổ lộ: “Mùa này nắng gắt nên thời gian phơi bánh chỉ chừng 30 phút là bánh khô, mình lấy vào xếp thành ràng cột lại (20 cái/ràng). Đến mùa mưa thì phải sấy, bánh mới khô. Bình quân một ngày, hai vợ chồng tôi tráng được 1.000 bánh. Nghề làm bánh tráng giúp gia đình có thu nhập ổn định, lo cho con cái ăn học”.
Ông Hà Văn Lang, trưởng thôn Trường Cửu, cho biết: “Nghề làm bánh tráng ở đây được chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ nên bà con rất phấn khởi. Bánh tráng Trường Cửu đang được đề nghị đăng ký chứng nhận nhãn hiệu. Đây là tín hiệu đáng mừng của những hộ làm nghề nơi đây”.
Mấy năm gần đây, ngoài các hộ dân tráng bánh theo phương pháp thủ công, một số hộ đã đầu tư mua sắm máy móc để sản xuất. Được máy móc hỗ trợ, năng suất cao hơn, chất lượng sản phẩm cũng đều hơn. Ông Bùi Tấn Chung, chủ cơ sở bánh tráng Hà Thẩm (xóm Đông, thôn Trường Cửu) cho biết: “Năm 2014, được Nhà nước hỗ trợ 38 triệu đồng, tôi mua máy tráng bánh. Bình quân một ngày, cơ sở chúng tôi tráng trên 1 tạ bánh, tạo việc làm cho 6 lao động với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng”.
Ông Nguyễn Huỳnh Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: Toàn thôn Trường Cửu có 246 hộ với trên 1.200 nhân khẩu. Số hộ sản xuất bánh tráng chiếm khoảng 80% dân số toàn thôn. Năm 2009, thôn Trường Cửu được công nhận là làng nghề. Ngoài sản phẩm bánh tráng gạo truyền thống, nhiều hộ còn sản xuất thêm các loại sản phẩm khác như: bánh tráng gạo pha mì, bánh cuốn chả ram, bánh tráng mè...
Nghề làm bánh tráng đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, ổn định cuộc sống nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: Đầu ra sản phẩm vẫn còn bấp bênh, chất đốt tráng bánh thủ công chủ yếu là củi, trấu... vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa ngày càng khan hiếm; việc phơi bánh dọc đường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nghề tráng bánh đang rất cần hỗ trợ thêm về kỹ thuật, công nghệ cả từ khâu sơ chế nguyên liệu đến phơi sấy sản phẩm, đóng gói.
ĐOAN NGỌC