Quê hương nếu ai không nhớ
Khi ngôn ngữ bình nhật không đủ sức diễn đạt cái vô cùng của cảm xúc, đó là lý do để nghệ thuật xuất hiện. Nghệ thuật giàu sức sáng tạo đầu tiên có lẽ là thi ca và âm nhạc. Tôi tin vào điều này hơi... cực đoan, đặc biệt những khi nghe các ca khúc phổ theo thơ, hoặc phỏng thơ, trong đó “Quê hương” là một điển hình.
“Hồn Việt” (sơn mài) - tranh của Nguyễn Đắc Lợi (Bình Định).
Ca khúc “Quê hương” của nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ “Bài học đầu cho con” của Đỗ Trung Quân. Bài thơ mở đầu bằng câu hỏi “Quê hương là gì hở mẹ? Mà cô giáo dạy phải yêu/ Quê hương là gì hở mẹ? Ai đi xa cũng nhớ nhiều...”. Khi phổ bài thơ thành ca khúc, nhạc sĩ Giáp Văn Thạch cho ẩn câu hỏi kể trên, ông tin rằng nhạc sĩ hòa âm sẽ đặt nó trong phần mở đầu (intro). Và như thế, sức gợi của ca khúc đã mở đến bao la. Quê hương là... quê hương là... quê hương là... Cả bài thơ và ca khúc cùng trả lời và cùng khái quát: “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ...”.
Gần 35 năm đã qua kể từ khi bài thơ xuất hiện trên báo Khăn quàng đỏ, cũng xấp xỉ từng đó năm ca khúc phổ thơ đã ở lại trong trái tim của nhiều người Việt. Đọc bài thơ và nghe ca khúc, tự mỗi người lại có câu trả lời “quê hương là gì?”, lại có chuỗi hình ảnh liên tưởng của riêng mình; lại bùi ngùi nhớ, lại rưng rưng xúc động khi nghĩ về mẹ cha, ông bà, anh em, bè bạn. Thật vậy, không ai nhớ quê hương mà trong dòng cảm xúc cảnh và người lại không hòa điệu.
Năm 1996, Đài truyền hình NHK (Nhật Bản) đã trao cho bà Phạm Thị Vui (bà quả phụ nhạc sĩ Giáp Văn Thạch) số tiền thưởng 1.000 USD để vinh danh “Quê hương” - bài hát nước ngoài được yêu cầu phát sóng nhiều nhất trên kênh này trong suốt 10 năm (từ 1986 đến 1996). Niềm ngọt ngào, êm đềm ấy đã xuyên biên giới, đến và đồng điệu trong công chúng Nhật. Người ta bảo, thi ca và âm nhạc có tính nhân loại, phải chăng từ những trường hợp như “Quê hương”!
BÁ PHÙNG