KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG TRUNG ĐOÀN 922 (26.9.1977 - 26.9.2017):
Gian khổ, hy sinh và rực rỡ những chiến công
Chặng đường 40 năm qua của Trung đoàn 922 (hiện đang đóng quân ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh) đầy gian khổ, hy sinh nhưng rực rỡ những chiến công. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã sống và chiến đấu, viết nên trang sử hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bằng máu, mồ hôi, tâm sức và trí tuệ đã xây đắp nên truyền thống “Trung thành - Nghiêm túc - Tận tụy - Ðoàn kết - Quyết thắng”.
Ngày 26.9.1977, Trung đoàn 922 (thuộc Sư đoàn 31) được thành lập tại xã Môn Sơn và Lục Dạ, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay thuộc tỉnh Nghệ An), trên cơ sở Đoàn Huấn luyện 22 chuyển thành. Sau khi thành lập, Trung đoàn từng bước ổn định biên chế, xây dựng các tổ chức, bổ sung lực lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Huấn luyện chiến sĩ ở Trung đoàn 922.
Một thời hào hùng
Tháng 11.1977, Trung đoàn 922 nhận lệnh cơ động toàn bộ lực lượng vào miền Nam làm nhiệm vụ xây dựng các công trình hạ tầng phát triển nông nghiệp. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vừa tích cực sản xuất, vừa đề cao cảnh giác, kịp thời cơ động lực lượng chi viện cho Sư đoàn 4, Quân khu 9 chiến đấu đánh bại quân xâm lược Khơme đỏ ở phía Bắc kênh Vĩnh Tế.
Mùa xuân năm 1978, Trung đoàn được lệnh lên đường chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Mùa mưa năm ấy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn không quản gian khổ, hy sinh, dũng cảm chiến đấu đánh bại hàng chục đợt tiến công của quân xâm lược Pôn Pốt, bảo vệ khu vực phòng thủ biên giới ở phía Tây đường 22, giữ vững cụm chốt Đập Đá, đồi Năm Gấu, bàu Lùng Tung.
Mùa xuân năm 1979, đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, trong đội hình Sư đoàn 31, Quân đoàn 3, Trung đoàn đã tiến công mạnh mẽ đập tan cụm chốt đầu cầu và cứ điểm Phum Sâm của địch, mở thông đường 7 cho lực lượng của ta tiến công vào sâu trong nội địa, tiến tới giải phóng đất nước Chùa Tháp.
Năm tháng trôi qua, giai đoạn chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia là chương hào hùng nhất trong lịch sử Trung đoàn 922. Trung đoàn trưởng Nguyễn Viết Hùng cho hay, trong giai đoạn này, Trung đoàn đã chiến đấu 46 trận từ cấp đại đội đến trung đoàn và hàng trăm trận nhỏ lẻ, tiêu diệt 1.016 tên địch, bắt sống 630 tên, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch; thu 2.257 khẩu súng các loại, 12 máy thông tin, cùng nhiều phương tiện, tài liệu có giá trị.
Với những chiến công xuất sắc đó, Trung đoàn đã được các cấp ghi nhận và tặng thưởng 317 bằng khen, 724 giấy khen cho các tập thể và cá nhân, 41 đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sĩ quyết thắng và Chiến sĩ thi đua; 332 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng. Đặc biệt, Tiểu đoàn 6 được Bộ Quốc phòng tặng cờ thưởng luân lưu “Kiên cường giữ chốt”. “Sự trưởng thành vượt bậc trong gian khó, những chiến công rạng rỡ, những bài học xương máu vô giá là niềm tự hào, sự cổ vũ động viên to lớn để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn vững bước trên chặng đường mới”, thượng tá Nguyễn Viết Hùng đúc kết.
Nâng cao hiệu quả huấn luyện
Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, tháng 7.1979, Trung đoàn 922 cơ động từ miền Tây Campuchia trở về phía Bắc Tổ quốc làm nhiệm vụ mới. Trong hơn 8 năm ấy, Trung đoàn lập nhiều thành tích, kịp thời huấn luyện chiến sĩ mới bổ sung cho các đơn vị chiến đấu bảo vệ biên giới, đồng thời cùng quân và dân Bắc Sơn (Lạng Sơn), Đồng Hỷ (Bắc Thái) đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch.
Thực hiện sự điều chỉnh bố trí lực lượng chiến lược trên toàn quốc của Bộ Quốc phòng, giữa năm 1988, Trung đoàn cơ động toàn bộ lực lượng từ Bắc Thái vào Nghĩa Bình (nay thuộc huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Đó là cuộc hành quân di chuyển toàn bộ đội hình lần thứ tư trong lịch sử Trung đoàn.
Thực hiện Quyết định của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn chuyển thành đơn vị khung thường trực làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, xây dựng lực lượng dự bị động viên trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong những năm qua, Trung đoàn luôn quán triệt, chấp hành, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Với nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới, Trung đoàn tổ chức tiếp nhận mỗi năm 2 đợt từ 120 - 300 chiến sĩ mới thuộc các huyện Phù Mỹ, Vân Canh, Hoài Ân, Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn. Nhờ tổ chức huấn luyện chặt chẽ, đúng, đủ nội dung, lấy thực hành làm chính; kết hợp huấn luyện với giáo dục truyền thống, phổ biến pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, rèn luyện thể lực và nếp sống chính quy nên kết quả các năm đều đạt 100% khá giỏi.
Trung tá Hồ Sỹ Chiến - Chính ủy Trung đoàn - cho biết thêm, Trung đoàn còn chủ động phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ký kết và thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp công tác; tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống cháy rừng, thực hiện công tác chính sách - xã hội... góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh. “Đó là những việc làm thiết thực, hiệu quả, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết keo sơn giữa cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn với nhân dân, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới”, trung tá Chiến nhìn nhận.
Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trung đoàn 922 và các đơn vị trực thuộc được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương chiến công hạng Nhất, 4 Huân chương chiến công hạng Hai, 6 Huân chương chiến công hạng Ba. Trung đoàn được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân đoàn tặng thưởng các danh hiệu: Ðơn vị vững mạnh toàn diện năm 2012, 2013, 2014, 2016; Ðơn vị tiên tiến và Ðơn vị văn hóa năm 2012; Ðơn vị quyết thắng năm 2016...
NGUYỄN VĂN TRANG