An Lão: Cau sốt giá, huyện khuyến cáo không mở rộng diện tích
Nhiều năm trước, cau ở An Lão chín rụng đầy gốc, chẳng ai mua. Thế nhưng thời gian gần đây, thương lái lùng sục khắp nơi trên địa bàn huyện để hỏi mua, kể cả trái cau non. Người dân có thêm thu nhập nhưng ngành chức năng của huyện lo lắng lặp lại câu chuyện cũ: giá cao người dân lại đổ xô đi trồng cau, rồi cau lại rớt giá.
Giá thu mua cau trái đang ở mức cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo ngành nông nghiệp huyện An Lão, người dân không nên mở rộng diện tích loại cây này vì giá cả bấp bênh.
Nhộn nhịp mua bán cau non
Năm nay, cau tươi được thương lái thu mua tại vườn có giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức giá cao nhất từ trước đến nay. Ông Hồ Văn Nghi (thôn Long Hòa, xã An Hòa), cho biết: “Mấy năm qua, giá cau xuống thấp, có thời điểm còn có 1.000 đồng/kg. Dần dà, người trồng cau chặt bỏ để chuyển sang trồng cây chuối. Đầu năm 2017 đến nay, cau bỗng dưng có giá; đặc biệt, cau non được thương lái thu mua rất mạnh”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hà (xã An Hòa) chia sẻ: “Nhà tôi có 10 cây cau. Mấy năm trước, tới mùa cau chín rụng cả gốc. Nhà ai có lễ cưới hỏi qua xin vài nhánh thì tôi cho chứ chẳng bán chác gì. Nhưng năm nay, giá cau cao nên cũng có thêm thu nhập. Có thời điểm, thương lái thu mua cau với giá 26.000 đồng/kg. Nhiều lúc thấy giá cau cao, nên nhà nào đã chặt bỏ cây từ trước cảm thấy tiếc, muốn trồng trở lại”.
Đáng chú ý, thương lái rất chuộng cau non, mua giá cao. Nhưng đa số đều không biết được ngọn nguồn vì sao giá cau năm nay lại tăng đột biến như vậy.
PV Báo Bình Định tìm đến lò sấy cau của ông L.V.C, ở thôn Long Hòa (xã An Hòa), thấy khoảng chục người đang tách cau non ra khỏi buồng. Ông C. cho biết: “Cau tươi được tách buồng, luộc chín, sấy khô liên tục 5 ngày. Cứ 6 tấn cau tươi sấy còn được 1 tấn cau khô; sau đó đóng bao, xuất bán với giá khoảng 120 ngàn đồng/kg. Toàn bộ cau đã sấy, tôi xuất qua Trung Quốc để làm kẹo cau”.
Cũng theo chủ lò sấy này, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cau non ở thị trường Trung Quốc rất mạnh nên giá cau trong nước cũng được đẩy lên cao. Ông C. cho biết thêm: “Thương lái từ Trung Quốc tới đặt cọc tiền trước. Để có hàng kịp cung ứng, tôi phải thuê người vào tận tỉnh Bến Tre để thu mua. Bình quân tôi mua - bán 250 tấn/năm. Năm nay giá cau tăng, nên lò sấy nhà tôi lúc nào cũng cần từ 20 - 30 lao động mới làm hết việc”.
Không nên mở rộng diện tích cau
Ông Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Lão, nhận xét: “Toàn huyện An Lão có 68 ha cây cau đang cho thu hoạch trái, bình quân 1 cây cho thu hoạch khoảng 15 kg trái/năm. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất tỉnh. Tuy giá cau năm nay tăng đột biến, nhưng ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt vì giá cau mấy năm nay rất bấp bênh. Chủ trương của ngành nông nghiệp là không khuyến khích bà con trồng thêm hay đưa cây cau vào danh mục cây chủ lực của huyện vì rủi ro rất cao”.
Theo ông Văn Phụng Anh, Chủ tịch UBND xã An Hòa (huyện An Lão), vào các năm 2006 - 2007, cau tươi trên địa bàn huyện được thương lái thu mua mạnh, sơ chế tại chỗ và bán sang Trung Quốc, Thái Lan để làm kẹo cau. Người dân đổ xô đi trồng cau, sau thời gian thì cây cau An Lão “chết đứng”, vì thương lái ngừng thu mua, khiến nhiều chủ cơ sở gom cau điêu đứng. Người dân đành chặt bỏ hàng loạt cây cau để trồng cây khác.
“Tuy ở thời điểm này, trái cau lên cơn sốt về giá, nhưng chủ trương của xã là chỉ duy trì diện tích cau hiện có khoảng 5 ha, không khuyến khích bà con trồng thêm. Hiện nay, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể liên quan đang theo dõi, để có những định hướng kịp thời, đúng đắn cho người dân”, ông Anh nói.
TRỌNG LỢI