Cậu học trò say mê sáng tạo
Bộc lộ niềm say mê khoa học kỹ thuật từ nhỏ, được gia đình tạo điều kiện, thầy cô động viên, hỗ trợ, Ðinh Việt Long (lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn) đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm, thiết bị có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn và sở hữu kha khá giải thưởng.
Việt Long bên thiết bị tự động sơn vạch kẻ đường dẫn hướng bằng laser. (Ảnh do Nhân vật cung cấp).
Ðam mê và bền chí
Sinh ra và lớn lên trong môi trường khoa học kỹ thuật với cha là chủ một doanh nghiệp cơ khí, Đinh Việt Long từ nhỏ đã bộc lộ niềm yêu thích đối với thiết bị cơ khí, máy móc, robot. Cha của Việt Long, ông Đinh Thanh Hải kể: “Năm lớp 1, lớp 2, Việt Long đã nói chuyện, nhờ cha giải đáp những thắc mắc liên quan đến máy móc, thiết bị. Cũng thời gian đó, con hay khoe với tôi về những bức vẽ tuy nguệch ngoạc, đơn giản nhưng được chú thích cẩn thận là máy này, máy kia. Càng lớn, Long càng tò mò, nghiên cứu về những điều mới mẻ xung quanh, đọc nhiều sách về khoa học, máy móc, robot”.
Khác với bạn bè cùng lứa, ngoài thời gian dành cho học văn hóa, Long dành thời gian còn lại cho các nghiên cứu, tìm tòi của mình. Có sẵn hai công cụ là internet và ngoại ngữ, Long rong ruổi trên mạng, đào sâu vào bản chất của các phát minh, những nhà khoa học mà mình yêu thích, muốn tìm hiểu. Bạn bè của Long phần lớn đều là những người yêu thích lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Long kết bạn với các sinh viên thuộc đội Robocon Trường ĐH Lạc Hồng, giao lưu với một số sinh viên Trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh. Bình thường, Long là người ít nói, có phần rụt rè nhưng khi được nhắc đến các sáng chế, những thần tượng của mình như Thomas Edison, Nikola Tesla, Elon Musk, em lộ rõ sự tự tin.
Bên cạnh niềm yêu thích, say mê, Đinh Việt Long còn có được khả năng nhạy bén và sự kiên định, bền chí. Cha của Việt Long còn nhớ rõ, năm lớp 9, trong lúc cùng làm sản phẩm dự cuộc thi sáng tạo từ vật liệu tái chế, rất nhiều bạn cùng lớp của Long đã nản lòng sau một, hai lần thất bại. Thế mà Long kiên trì hơn một tuần.
Cô giáo chủ nhiệm Hứa Thị Thanh Vân cũng đặc biệt ấn tượng về sự bền chí của Long. Cô chia sẻ: “Với sản phẩm “Thiết bị tự động sơn vạch kẻ dẫn hướng bằng laser”, Long gặp không ít trở ngại. Trong 6 tháng trời, ngoài việc thiết kế ra sản phẩm, Long còn phải giải quyết các vấn đề nảy sinh như: làm thế nào để thiết bị sơn được cả nét đứt; làm thế nào để sơn vạch kẻ ở đoạn đường cong, khúc cua; làm thế nào để vạch sơn được sắc nét... Thế nhưng, chưa một lần, tôi thấy em muốn bỏ cuộc. Với mỗi vấn đề, Long đều khẳng định là sẽ tìm ra cách giải quyết dù là có mất nhiều thời gian và thất bại nhiều lần đi nữa. Một ưu điểm khác của Long là biết lắng nghe và chịu khó chia sẻ. Chính vì thế, cô và trò đều dễ dàng tương tác với nhau trong quá trình làm việc chung”.
Gia đình, thầy cô “chắp cánh”
Bên cạnh sự nỗ lực, sự đam mê của cá nhân Long, vai trò của gia đình và thầy cô rất quan trọng. Ngay từ nhỏ, ông Đinh Thanh Hải đã là một người bạn lớn và là “kim từ điển” đối với những thắc mắc của Long. Ông cũng là người gợi ý, giúp Long tìm thấy nguồn cảm hứng để sáng tạo. Dù chỉ có duy nhất một người con, song gia đình Long không nuông chiều mà đầu tư cho con đúng cách. Ủng hộ con đi theo sở thích, thế mạnh của mình, ông Hải sẵn sàng hỗ trợ phương tiện, công cụ, vật liệu để con nghiên cứu, sáng tạo.
Gặp nhau ở cùng một quan điểm là tạo điều kiện tốt nhất cho Long, vì sự phát triển lâu bền của Long trên con đường sáng tạo khoa học kỹ thuật, cả gia đình Long và cô giáo chủ nhiệm xác định không làm thay con, thay trò mà chỉ tư vấn, hỗ trợ, động viên. Nói về cô Thanh Vân, giáo viên chủ nhiệm, kiêm người hướng dẫn, Việt Long chia sẻ: “Cô là người có ảnh hưởng lớn đến em. Cô luôn muốn học sinh phát huy điểm mạnh của mình chứ không đóng khung học sinh trong một khuôn mẫu nhất định. Chính cô đã giúp em nhìn thấy những khuyết điểm của sản phẩm, động viên em tự giải quyết các vấn đề đó. Niềm vui sướng mỗi khi giải quyết được một khuyết điểm của sản phẩm, em đều chia sẻ với cô trước nhất”.
Sở hữu kha khá giải thưởng trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và tự hào về điều đó, nhưng Việt Long tự ý thức rằng: giải thưởng không phải là tất cả. Em cho biết: “Không có giải thưởng, em vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm. Năm học 2017-2018, em sẽ tiếp tục dự thi Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh và thi vào trường ĐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh”.
Năm 2014, khi đang học lớp 9, lần đầu tiên, Ðinh Việt Long tham gia sân chơi sáng tạo với sản phẩm đầu tay “Quạt chạy bằng nến” tại cuộc thi sáng tạo từ vật liệu tái chế do Sở TN&MT tổ chức và giành giải nhất.
Năm 2015, em giành giải nhì tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh với sản phẩm “Robot do thám đường ngầm”.
Năm 2016, Long tiếp tục đạt giải nhì trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh với sản phẩm “Thiết bị lấy mẫu dưới đáy sông, hồ, biển”.
Năm 2017, “Thiết bị tự động sơn vạch kẻ dẫn hướng bằng laser” của Việt Long đã giành giải nhất tại cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh.
NGUYỄN MUỘI