Tiết kiệm và yêu thương
Thời bao cấp, bột ngọt là một loại gia vị “chiến lược”. Khi mua bịch bột ngọt về, các bà nội trợ thường sớt ra một cái hũ nhỏ để dùng dần. Thời đó, mỗi bữa cơm trong gia đình thường có chén nước mắm nguyên chất, rắc vào vài hạt bột ngọt, thêm trái ớt cay và nặn một ít chanh là dùng rất ngon lành. Hầu hết các thành viên trong gia đình tôi đều sử dụng hũ bột ngọt bằng cách, mở nắp cái hũ rồi lắc lắc cho những hạt bột ngọt rơi vào chén nước mắm. Riêng mẹ tôi, mỗi khi dùng, mẹ lấy chiếc đũa khảy nhẹ đủ để lấy chừng mươi hạt. Bằng cách ấy, mẹ tôi không bao giờ lỡ tay khiến lượng bột ngọt rơi chén nước mắm quá mức cần thiết.
Ðồ dùng bằng nhựa cũng rất đắt tiền. Nhiều người có thể sống được bằng nghề vá dép nhựa. Nhưng mẹ để ý cách người ta làm, từ đó về sau, từ dép nhựa cho đến thau nhựa, rổ rá bằng nhựa trong nhà bị hư hỏng, mẹ tôi đều tự vá được bằng con dao nhíp nhỏ hơ cho thật nóng rồi ép một miếng nhựa khác vào chỗ cần vá. Qua bàn tay khéo léo của mẹ, nhiều thứ tưởng chừng bỏ đi lại có thể sử dụng thêm một thời gian nữa.
Mẹ tôi không phải là thợ may, cũng chưa đi học may bao giờ nhưng bà có thể may rất nhiều thứ cho anh em tôi, nhất là quần đùi, đồ bộ rồi đến các tấm chăn may bằng vải vụn mẹ xin được. Mẹ may rất khéo, trong số các tác phẩm của mẹ, tôi nhớ nhất là những chiếc áo sơ mi đi học. Thời đó, loại xà bông giặt phổ biến nhất là xà bông cục 72% dầu. Vì được chà xát nhiều lần bằng bàn chải với cục xà bông cứng queo, phần vải ở cổ áo mòn rất nhanh. Mẹ dạy anh em tôi giữ gìn mọi thứ thật cẩn thận để dùng được ít nhất là 2 đời - đời anh chị rồi đến đời em. Mẹ đã biến chiếc áo sơ mi sờn cổ của anh tôi thành áo mới bằng cách tháo chiếc cổ áo ra rồi lộn ngược lại cổ áo lại lành nguyên!
Mẹ tôi là người tiết kiệm số một, nhưng không hề hà tiện. Nhất là vào dịp cuối tuần, khi nhà có khách hoặc khi các anh, chị tôi đi học xa về nhà. Mẹ tôi lại xách giỏ đi chợ, bà biết cách chế biến, kho kho nấu nấu sao để rất nhiều thứ, thậm chí rất rẻ tiền, bỗng nhiên thành những món ăn bắt mắt và… tốn cơm!
Bây giờ, cuộc sống tuy thong thả hơn thời bao cấp nhiều, nhưng tôi vẫn buộc mình phải học cách tiết kiệm như mẹ, không phải bởi chi tiêu mà từ lâu rồi tôi phát hiện ra rằng nguồn cội, năng lượng khiến mẹ có thể vượt qua khó khổ, tiết kiệm thành công, giữ hơi ấm gia đình luôn chan hòa ấy là nhờ vào yêu thương. Tôi cũng muốn yêu thương con cháu, mẹ cha như mẹ đã yêu thương anh chị em tôi.
NGUYỄN HOÀNG DUY