Nhiều di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
Hội vật làng Vĩnh Khê (Hải Phòng) - hội vật truyền thống được cho là có bề dày 700 năm tuổi vừa được Bộ VH-TT-DL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm, hội vật truyền thống làng Vĩnh Khê được tổ chức từ bao đời nhằm tưởng nhớ công ơn của thành hoàng làng, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc.
Hội vật làng Vĩnh Khê nay được mở rộng giải dành cho đối tượng chuyên và không chuyên, thu hút sự tham dự của nhiều đô vật khắp mọi miền đất nước tham dự.
Cùng được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong đợt XX còn có 6 di sản khác gồm: Tết té nước (Bun huột nặm) của người Lào (xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa (xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên); lễ Xăng Khan (Kin chiêng boóc mạy) của người Thái (huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu, huyện Quỳ Hợp, huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn, huyện Con Cuông, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An); lễ hội Đền Lộng Khê (xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình); lễ hội Cầu ngư (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa); Ngũ trò Viên Khê - Dân ca Đông Anh (xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Như vậy, hiện tại cả nước đã có 228 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VH-TT-DL quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo MAI AN (SGGP)