Tôn vinh nghệ nhân thủ công mỹ nghệ
Từ tháng 8.2013, quy định của UBND tỉnh về việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ chính thức có hiệu lực. Đây là sự tôn vinh những người có bàn tay tài hoa và niềm đam mê sáng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.
1.
Theo quy định, người được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ cần phải hội đủ 4 tiêu chuẩn, trong đó tiêu chuẩn thứ 3 và 4 có yêu cầu khá cao. Tiêu chuẩn 3 đòi hỏi người được xét tặng phải làm ra ít nhất 10 tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng được một trong các yêu cầu: được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh trở lên; được tặng giải thưởng vàng, bạc, đồng hoặc tương đương tại các hội chợ triển lãm quốc gia, quốc tế; đạt giải Nhất, Nhì tại các cuộc thi sản phẩm thủ công do các cơ quan, đơn vị, hiệp hội nghề tổ chức; được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, phục hồi di tích lịch sử. Tiêu chuẩn thứ 4 là phải có nhiều thành tích trong việc khôi phục, duy trì và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh; truyền nghề, dạy nghề cho trên 100 lao động (danh sách học viên đã đào tạo có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn).
Những nghệ nhân hội đủ các tiêu chí trên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ. Đi kèm với đó là các quyền lợi, được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí bảo trợ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm làm ra theo pháp luật hiện hành; được hỗ trợ kinh phí thực hiện các đề án đào tạo nghề, truyền nghề, nghiên cứu, thiết kế, cải tiến mẫu mã, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm…
2.
Nhiều người nằm trong diện có thể được xem xét phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ngành thủ công mỹ nghệ có chung kiến nghị, việc xem xét phong tặng danh hiệu cần linh hoạt hơn ở tiêu chuẩn thứ 3 và thứ 4. Bà Trần Thị Mỹ Lâm - 70 tuổi, ở phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn - đã có hơn 50 năm gìn giữ và phát huy nghề thêu gia truyền. Bà Lâm có cách thêu “không đụng hàng” từ sử dụng kim thêu đến kỹ thuật thêu, tự phối màu ngẫu hứng, tạo ra nhiều sản phẩm tranh thêu với vẻ đẹp độc đáo. Bà Lâm và các học trò đã làm ra hàng chục ngàn sản phẩm, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Nhiều tranh thêu của bà được làm công phu với kích cỡ lớn, có giá bán hơn chục triệu đồng.
Khi biết về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu nghệ nhân, bà Lâm băn khoăn: “Cơ sở thêu của tôi đã tham gia một số triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi cũng được tặng Bằng khen của UBND tỉnh, nhưng về giải thưởng hay bình chọn sản phẩm tiêu biểu thì chưa có, vì chẳng biết cách thức tham gia như thế nào. Học trò tôi đã truyền dạy nghề thì cũng vài trăm người, nhưng thường là ở xa đến học, bây giờ tản mác khắp nơi thì làm sao tìm đủ số lượng người để chứng nhận”.
Trong quy định xét tặng danh hiệu nghệ nhân cũng đã có quy định thêm về vấn đề này. Đối với những người không có điều kiện tham gia các cuộc thi, triển lãm, nếu có tác phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao được nhiều người cùng ngành nghề suy tôn thì được hội đồng xét duyệt cấp tỉnh xét tặng danh hiệu nghệ nhân. Đối với một số nghề đặc thù có khả năng bị thất truyền, ít truyền cho người ngoài, chưa đào tạo truyền nghề đủ cho 100 người, hay chưa đủ thâm niên nghề theo quy định thì vẫn được xem xét phong tặng danh hiệu nghệ nhân (Sở Công Thương, Sở LĐ-TB&XH, Sở VH-TT&DL quy định những nghề này).
Vì vậy, theo ý kiến của nhiều người, quá trình tiến hành xét tặng danh hiệu Nghệ nhân cần linh hoạt, bám sát với tình hình thực tế để tránh thiệt thòi cho những người có nhiều cống hiến cho nghề thủ công mỹ nghệ Bình Định.
HOÀI THU