Ðưa “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” đến người dân
Sáng 25.9, đông đảo người dân xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước) đã đến nhà văn hóa xã để xem Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử”.
Giới thiệu nhiều tư liệu, bản đồ có giá trị
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” (từ ngày 25 - 27.9) là hoạt động do Sở TT&TT, Sở VH&TT và UBND huyện Tuy Phước phối hợp tổ chức. Triển lãm giới thiệu 111 tư liệu, bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, được trưng bày theo 4 phần: Tư liệu, hình ảnh về quá trình khai phá và xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thể hiện qua bản đồ; Hoàng Sa, Trường Sa thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng hòa; những tư liệu, hình ảnh về quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong thời gian gần đây.
Người dân Phước Hưng xem Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử”.
Tại Triển lãm, người xem được dịp biết đến những văn bản Hán, Nôm có từ thế kỷ XVI, được xem như những thư tịch cổ đầu tiên nói về nguồn gốc cũng như chủ quyền của 2 quần đảo này. Trong đó, tiêu biểu như tư liệu thành văn sớm nhất - bản trích nằm ở trang thứ 42 trong tập bản đồ “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá, miêu tả vị trí Hoàng Sa khi ấy là một quần đảo nằm ở ngoài Biển Đông, được đặt tên theo chữ Nôm là Bãi Cát Vàng. Tư liệu này cũng như nhiều tư liệu có niên đại sau đó (các trang viết về đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải, đi khai phá Đại Trường Sa, được Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ biên tạp lục biên soạn năm 1776; các châu bản triều Nguyễn phản ánh quá trình xác lập và thực thi chủ quyền thông qua việc liên tục cử người ra 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ…) đã khẳng định, cho đến thế kỷ XVII, Hoàng Sa, Trường Sa vẫn còn là các hòn đảo vô chủ, chính người Việt đã phát hiện ra, đặt tên (theo chữ Nôm) và thực thi quyền làm chủ thông qua nhiều hoạt động.
Mảng bản đồ, có 3 dạng được giới thiệu tại Triển lãm, gồm bản đồ của người Việt vẽ về lãnh thổ Việt Nam, bản đồ do phương Tây vẽ về lãnh thổ Việt Nam và bản đồ do người phương Tây và Trung Quốc vẽ về lãnh thổ Trung Quốc. Trong đó, khiến người xem có cảm giác khách quan và thuyết phục nhất chính là bộ sưu tập 130 bản đồ được vẽ từ thế kỷ XVI đến XX bởi các nhà địa lý, hàng hải phương Tây và châu Mỹ, đều nhất quán thể hiện lãnh thổ Việt Nam bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi đó, mảng bản đồ lãnh thổ Trung Quốc do người phương Tây và chính người Trung Quốc vẽ, xuất bản tại nhiều nước: Anh, Đức, Úc, Canada, Mỹ (từ thế kỷ XVI - XX), đều ghi nhận 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc Trung Quốc.
Sẽ triển lãm ở nhiều địa phương trong tỉnh
Theo bà Nguyễn Đặng Thị Thu Hòa, Phó Giám đốc Sở TT&TT, Triển lãm đã lựa chọn những bằng chứng vững chắc về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để trưng bày, giới thiệu với công chúng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Một trong những học sinh xem Triển lãm rất chăm chú là em Lê Huỳnh Lan Chi, lớp 7A6, Trường THCS Phước Hưng. Chi cho biết, khi xem các văn bản tư liệu và nhất là mảng bản đồ, em cảm thấy khá quen thuộc, vì đã vài lần được ông ngoại là Huỳnh Ngọc Đức, Bí thư chi bộ thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, giảng giải về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thể hiện qua bản đồ. “Ông ngoại thường nói, bản đồ người Tây vẽ nước ta từ xưa đã có Hoàng Sa, Trường Sa; còn bản đồ chính người Trung Quốc vẽ nước họ, phần lãnh thổ cực Nam chỉ đến đảo Hải Nam... Hôm nay xem Triển lãm, xem kỹ các bản đồ, em càng hiểu thêm lời ông và về chủ quyền của nước mình với hai quần đảo này”, Chi nói.
Được biết, xã Phước Hưng là điểm đầu trong chương trình tổ chức triển lãm, trưng bày về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo tại 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh mà với vai trò chủ công, Sở TT&TT đã lên kế hoạch thực hiện. Nguồn tư liệu, bản đồ phục vụ Triển lãm là do Bộ TT&TT cung cấp, giao Sở TT&TT phối hợp với các sở, ngành liên quan, địa phương để tổ chức thực hiện.
Sau Phước Hưng, Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử” sẽ được tổ chức tại xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) từ ngày 3 - 5.10 tới.
SAO LY