Ðòi nợ theo kiểu bạo lực: “Tiền mất, tật mang”
Gần đây, không ít vụ vay mượn không thỏa thuận được việc trả nợ nên nhiều chủ nợ đã sử dụng các hình thức bạo lực từ nhục mạ tinh thần, bôi nhọ danh dự đến cố ý gây thương tích, thậm chí đánh chết người để đòi nợ. Chủ nợ và người đòi nợ thuê thường rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”.
Một nạn nhân của đòi nợ kiểu “xã hội đen”.
Ðòi nợ bằng vũ lực
Vụ việc xảy ra đã gần 2 tuần song gia đình bà N.T.T (TP Quy Nhơn) vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị một nhóm thanh niên tập trung đến nhà đòi nợ. Thời điểm chủ nợ đến đòi tiền, người đứng tên vay trong giấy nợ là bà T. không có ở nhà nên người nhà bà T. đề nghị chủ nợ và nhóm thanh niên khi nào có bà T. ở nhà thì đến giải quyết. Vậy nhưng, đám người đòi nợ vẫn la ó và gây áp lực khiến 2 bên đôi co rồi dẫn đến ẩu đả khiến 4 người trong gia đình bà T. phải nhập viện. Bà T. cho biết: “Tui chỉ đứng ra bảo lãnh nợ cho người khác. Gần đây, chủ nợ không đòi được tiền nên đã nhiều lần đến nhà tui gây áp lực. Tháng 8 vừa qua, chủ nợ đã cho nhiều người đến tạt sơn, khóa trái cửa nhà tui và giờ thì ập vào nhà đánh người”.
Trước đó, tại một quán nhậu ở TX An Nhơn đã xảy ra một vụ án mạng mà nguyên nhân sâu xa cũng xuất phát từ việc đòi nợ. Hôm đó, sau khi dự tiệc tại nhà người quen ở xã Nhơn Hậu về, Dương Sỹ Hiếu thấy anh Nguyễn Công Hòa đang ngồi nhậu với một vài người đã tức giận, vì anh Hòa còn nợ Hiếu 4 triệu đồng, Hiếu đòi nhiều lần vẫn không trả với lý do chưa có tiền. Thế là Hiếu lên ca bin xe tải của mình đang đậu trước nhà lấy tuýp sắt dài hơn 1 m để đánh dằn mặt anh Hòa. Hiếu lẳng lặng vòng phía sau lưng rồi vung 2 tay đánh vào hông sườn anh Hòa. Bị đánh bất ngờ, anh Hòa đứng dậy ăn thua với Hiếu nhưng được mọi người trong bàn nhậu can ngăn. Tuy nhiên, sau cuộc ẩu đả, anh Hòa bị thương được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do vỡ lách gây tụ máu ổ bụng.
Hay như trường hợp gia đình bà N.T.P. không đến mức bị đối tượng đòi nợ dùng đến bạo lực nhưng luôn bị khủng bố tinh thần. Mới đây nhất, chủ nợ cho 2 người xăm trổ đầy mình đi trên một chiếc xe tải nhỏ đến trước nhà bà P. rồi nhẹ nhàng lấy từ thùng xe một chiếc bàn nhựa đặt ngay ngắn trước cửa nhà. Trên bàn, họ xếp 2 lon bia hai bên, giữa là một cái ly rồi thắp nhang vái lạy. Thấy vậy, gia đình bà P. chỉ biết đóng chặt cửa và nhờ chính quyền địa phương can thiệp.
Hậu quả khôn lường
Nếu vay mượn tiền mà không tự thỏa thuận giải quyết được thì người cho vay có quyền khởi kiện vụ án dân sự đến TAND có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết. Tuy nhiên, việc khởi kiện vụ án dân sự phải tuân theo các quy định và mất nhiều thời gian khiến người cho vay không muốn. Chính vì vậy, họ đã thuê những đối tượng đòi nợ thuê thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như đe dọa, bắt giữ người thân hay người đi vay uy hiếp để đòi trả nợ. Tuy nhiên, những cách thức đòi nợ này thường là vi phạm pháp luật. Luật sư Võ Hồng Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bình Định, cho biết: “Những người cho vay và đối tượng được thuê để đòi nợ khi thực hiện những hành vi như trên, nhẹ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh gây rối trật tự công cộng; bắt, giữ người trái pháp luật; cưỡng đoạt tài sản; cố ý gây thương tích hay có trường hợp phạm cả tội giết người… Không chỉ vậy, những hành vi này còn làm mất an ninh trật tự xã hội, gây hoang mang trong dư luận”.
NHẬT LINH