Mùa soi ếch
Mùa này, các cánh đồng ở huyện Hoài Nhơn đã cày ải khô khốc trơ gốc rạ, gặp trận mưa giông và nước mương đổ về lai láng, nhiều người dân quê ăn tối thật sớm, háo hức ra đồng soi ếch. Nước mát dẫn dụ lũ ếch rời hang ra ruộng ngao du, tạo điều kiện cho những thợ soi kiếm thêm chút thu nhập.
Người soi bán ếch cho chủ mua ếch ở thôn Giao Hội 2, xã Hoài Tân.
Rộn ràng với mưa đầu mùa
Hiện đang là thời điểm các cánh đồng ở huyện Hoài Nhơn không sản xuất do làm 2 vụ, nông dân cày ải, những cơn mưa giông to, nước lênh láng đồng. Trên những đám ruộng đã cày ải, hơi nước bốc lên xua tan cái không khí oi bức. Khi tiếng ếch nhái, côn trùng rộ lên râm ran, cũng là lúc nhiều thợ soi ra đồng rảo bước từ đám ruộng này sang đám ruộng khác soi bắt ếch.
Anh Nguyễn Văn Đồng, người đã nhiều năm theo nghề soi ếch ở thôn Giao Hội 2, xã Hoài Tân cho biết: Đồng lúa gặt xong, ruộng được bỏ khô một thời gian, khi trời đổ mưa, ếch ra rất nhiều. Ếch là loài thích nước, lúc ruộng bị bỏ khô chúng phải sống trong môi trường không thuận lợi, nên khi trời đổ mưa, theo tập tính ếch sẽ nhảy ra đón nước mát. Đây cũng là lúc ếch vào mùa sinh sản, nên thịt ếch lúc này rất ngon.
Ruộng làm 2 vụ ở Hoài Nhơn giờ rất nhiều, nên mùa làm ăn của thợ soi cũng dài hơn. Thời tiết trước những ngày mưa là lúc côn trùng sinh sôi mạnh, đây là món khoái khẩu của ếch. Vì thế ếch tầm này được no mồi, thịt mềm, thơm, được nhiều người chuộng.
Ði soi ếch
Tôi đề nghị anh Đồng cho tham gia một chuyến soi ếch. Anh Đồng e ngại: “Anh đi không nổi đâu, đi soi ếch phải lội trong ruộng bùn cả đêm. Mỗi đêm tôi phải lội từ những cánh đồng của xã này sang đến những cánh đồng của xã khác. Chuyến đi không được định trước, cứ đi theo tiếng ếch kêu. Nhiều đêm ham quá, cứ đi mải miết trời sáng khi nào không hay”. “Không sao, sức tới đâu, đi tới đó, lo gì!” - tôi đáp.
“Người đi chợ thích mua sắm kiểu mùa nào thức nấy. Muốn ăn đồ tươi, thật sự hương đồng gió nội, họ thường tìm đến hoặc gởi mua ở chợ quê. Hiện nay, ếch được bán với giá khá cao, từ 50.000 -60.000 đồng/kg. Bình quân mỗi đêm tôi soi được chừng 5kg ếch, kiếm cũng được hơn 250 ngàn đồng, đêm gặp nhiều cũng được 7-8 kg ếch, kiếm được kha khá!” - thợ soi Phan Văn Triều ở thôn Giao Hội 1, xã Hoài Tân chia sẻ.
Theo anh Triều, đồ nghề soi ếch rất đơn giản, gồm 1 cái đèn pin đội trên đầu, 1 cái bao đựng ếch. Sạc đầy pin soi cả đêm đèn mới hết điện, sáng về cắm sạc lại, hôm sau lại đi soi tiếp, tiện vô cùng. Những đêm mưa giông, đồng ruộng Hoài Nhơn dày đặc ánh đèn. Anh Triều kể: “Khi bà con thu hoạch lúa Hè Thu xong, ếch, nhái rúc sâu vào trong hang ẩn. Tầm 18 giờ trở đi là ếch nhái rời hang đi kiếm ăn. Chúng tôi đi soi từ khi tiếng ếch vang lên đến chừng 3 giờ sáng, gặp lúc nhiều quá, ham ếch cũng có thể soi tiếp đến 5 giờ. Nghe tiếng kêu, định hướng được nơi con ếch đang nằm, thợ soi sẽ hướng đèn về nơi ấy và đi dần đến. Trời tối mù, thân ếch thì đen sì, chúng lại giấu mình dưới những lỗ nước, hoặc nấp sau những mô đất rất khó thấy. Nhưng khi bắt đèn, mắt chúng ánh lên như đốm sáng, thợ soi sẽ nhận biết có ếch”.
Theo kinh nghiệm của anh Mai Văn Công, một tay soi ếch cừ khôi ở thôn Định Trị, xã Hoài Mỹ, những buổi tối trời dễ soi được nhiều nhái, ếch. “Nước mát làm lũ ếch khoái hoạt động nên chúng đồng thanh cất tiếng kêu. Nghe tiếng, tôi có thể phân biệt được đó là ếch cái hay ếch đực. Ếch cái kêu giọng trầm, ồm ồm, chầm chậm và vang rất xa; còn tiếng kêu của ếch đực nhặt hơn, thanh hơn do có 2 túi khí ở cổ họng. Ếch cái luôn to hơn ếch đực, nặng từ 1,5-2 lạng/con, ếch đực chỉ chừng 1 lạng/con” - anh Công giải thích.
TẤN DŨNG