Lão nông Lê Xuân Ðạt: Tuổi cao, tinh thần lao động lại càng cao
Gầy dựng cơ nghiệp từ những năm tháng nhiều khó khăn, ông Lê Xuân Ðạt (ở thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) và vợ đều thấm thía giá trị lao động. Ở tuổi ngoài 60, dù đã sở hữu cơ ngơi khang trang, song vợ chồng ông vẫn hăng say làm việc, làm gương cho con cháu.
Ông Đạt giới thiệu với đại diện Hội Người cao tuổi huyện, xã về trang trại gà siêu trứng của mình.
Giới thiệu về người cao tuổi tiêu biểu Lê Xuân Đạt, ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phước Lộc, khái quát: “Ông là người đầu tiên trên địa bàn xã đầu tư chăn nuôi bò lai; cũng là người đầu tiên nuôi gà siêu trứng. Từ năm 1978, ông Đạt đã là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện. Về sau, còn liên tục được các cấp tỉnh, Trung ương tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi”.
Học nghề xây dựng nhưng ông Đạt lại “bén duyên” với nông nghiệp. Tham gia vào Hợp tác xã địa phương, ông từng có ý định mở trang trại bò sữa nhưng rồi, lại quyết định chăn nuôi bò lai. Sở hữu diện tích đất vườn khoảng 2.000m2, ông dành 500m2 để làm chuồng trại nuôi bò, heo, gà siêu trứng và cả bồ câu Pháp. Phần diện tích còn lại, ông trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi. Thời điểm hiện tại, trang trại của ông có khoảng 1.500 con gà, cung cấp khoảng 1.200 trứng/ngày; 10 con heo (trong đó có 3 con heo nái, 7 con heo lứa); 3 con bò nái và 1 con nghé... Trung bình mỗi năm, chỉ riêng trang trại gà siêu trứng đã đem về khoản tiền lời 150 triệu đồng cho gia đình ông.
“Để có được mô hình chăn nuôi bền vững, vượt qua được các đợt dịch bệnh, mất giá trong những năm qua, vợ chồng tôi rất chú trọng khâu tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại. Mấy chục năm chăn nuôi, tôi cũng tích lũy kha khá kinh nghiệm thú y, kỹ thuật chăn nuôi. Rất nhiều người trong và ngoài tỉnh cũng tìm đến để học tập, trao đổi kinh nghiệm phòng dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi”, ông Đạt bộc bạch.
Theo ông Đạt, dù có cao tuổi, sức khỏe đã suy giảm hơn trước nhưng vẫn phải luôn cập nhật kiến thức và kỹ thuật mới liên quan đến chăn nuôi từ các chương trình hội thảo, báo đài. Đó là thói quen được ông xây dựng trong hàng chục năm lao động miệt mài. Một ngày lao động của vợ chồng ông Đạt bắt đầu từ 6 giờ sáng. Tất cả các khâu như: chăm sóc vật nuôi, cho ăn, vệ sinh chuồng trại, thu hoạch trứng..., vợ chồng ông đều tự tay làm chứ không thuê mướn thêm người. Song song với đó, họ còn chuyên chở cung cấp thực phẩm chăn nuôi cho các đại lý. Luôn tay luôn chân nhưng chẳng mấy khi vợ chồng ông than ngắn thở dài. Có lẽ, thói quen lao động đã cho họ sự dẻo dai, khỏe mạnh; niềm vui vì còn được làm việc và thu nhập khá đã lấn át những vất vả, mệt nhọc.
Bà Nguyễn Thị Kim Hương (60 tuổi), vợ ông Đạt tâm sự: “Những năm gần đây, khi kinh tế đã ổn định, nhà cửa tươm tất, khang trang, chúng tôi cũng dành thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn với các sở thích của mình. Làm việc quần quật nhưng vợ chồng tôi sắp xếp gặp gỡ bạn bè, tham gia các buổi nhạc sống tại các quán cà phê trên địa bàn một, hai lần/tuần đó chứ!”.
NGUYỄN MUỘI