Điểm ưu tiên tuyển sinh đại học sẽ được điều chỉnh giảm
Sắp tới, những điều chỉnh về mức chênh lệch điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học sẽ được đưa vào nội dung sửa đổi quy chế tuyển sinh.
Sau khi các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn vào các ngành, nhiều thí sinh bất ngờ khi điểm chuẩn năm nay được cho là cao kỷ lục so với nhiều năm. Với mức điểm chuẩn cao như năm nay, một số thí sinh điểm thi lên đến trên 29 điểm nhưng vẫn không đỗ ĐH ngay từ nguyện vọng 1.
Bộ GD-ĐT cho biết, điểm ưu tiên tuyển sinh đại học sẽ được điều chỉnh giảm (ảnh minh họa)
Điều đáng nói là lại có những thí sinh chỉ đạt 25,75 điểm nhưng được cộng thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ ĐH.
Trước thực tế trên, có nhiều ý kiến cho rằng, chính sách cộng điểm ưu tiên nên thay đổi để thí sinh đạt điểm cao, không được cộng điểm không bị thiệt thòi.
Với những đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ưu tiên trong tuyển sinh là thực hiện các chính sách của Đảng và nhà nước đối với con em gia đình có công với nước, con em là người dân tộc, học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Chính sách ưu tiên này đã được áp dụng từ nhiều năm nay và cần được tiếp tục duy trì trong những năm tới.
Tuy nhiên, do cấu trúc đề thi THPT Quốc gia khác với cấu trúc đề thi tuyển sinh nên mức độ chênh lệch ưu tiên giữa các đối tượng và khu vực khác nhau cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp.
Trước đây, toàn bộ đề thi bao gồm những câu hỏi phân hóa để phục vụ tuyển sinh, nay đề thi chỉ có 40% số câu hỏi phân hóa, nên để đảm bảo công bằng cho các đối tượng thí sinh khác nhau, mức chênh lệch điểm ưu tiên cũng phải được điều chỉnh giảm.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga tiết lộ, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc với đại diện Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, trường học để tham khảo ý kiến về mức điểm ưu tiên phù hợp trong tuyển sinh. Sắp tới, những điều chỉnh này sẽ được đưa vào nội dung sửa đổi quy chế tuyển sinh.
Ngoài ra, trong kỳ tuyển sinh ĐH năm 2017, dư luận có những thắc mắc về điểm thi đầu vào sư phạm thấp. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, những năm qua, Bộ GD-ĐT đã cắt giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo giáo viên, dừng đào tạo cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp ĐH muốn làm giáo viên THPT, dừng đào tạo từ xa các ngành sư phạm…
Từ năm 2018 trở đi, chỉ tiêu đào tạo sư phạm được giao trên cơ sở nhu cầu của các địa phương và năng lực, điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường. Mặt khác, Bộ đang tiến hành qui hoạch lại các trường sư phạm, thống kê nhu cầu giáo viên ở tất cả các địa phương để có giải pháp tổng thể và đồng bộ nhằm giải quyết vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên các cập bậc học hiện nay.
Theo Bích Lan (VOV)