Trình diễn thơ - bên bờ tiếp cận…
Vài năm gần đây, người sáng tác và công chúng trong tỉnh bắt đầu làm quen với khái niệm và cách thức giới thiệu, thưởng thức thơ mới mẻ: trình diễn thơ. Ở loại hình nghệ thuật còn nhiều tranh luận này, trình diễn thơ ở Bình Định mang những nét riêng đáng ghi nhận.
Thể hiện thơ theo phương thức trình diễn tạo hiệu ứng thẩm mỹ mới cho công chúng.
Một cách cảm thơ mới
Nếu ai đã từng là khán thính giả tại Liên hoan trình diễn thơ các CLB thơ thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh, thành phố tổ chức tại TP Quy Nhơn tháng 8.2012, tin chắc sẽ khó có thể quên các tiết mục trình diễn thơ của đoàn Bình Định. Trong đó, để lại ấn tượng nhất có lẽ là phần trình diễn chùm 3 bài thơ “Tiếng chuông thành cổ”, “Huyền thoại hang tám cô”, “Ở nghĩa trang Trường Sơn” (Mai Thìn).
“Nếu phần trình diễn tốt, ý nghĩa của bài thơ được tô đậm hơn. Tuy vậy, thơ mang tính đa nghĩa cao, liệu phần trình diễn cụ thể có chuyển tải hết những tầng nghĩa đó? ”
Nhà thơ LỆ THU
Sân khấu bao trùm ánh sáng trầm lạnh, nhạc bắt đầu bằng tiếng chuông gọi hồn âm âm. Các diễn viên múa cúi đầu lặng yên như những ngôi mộ, thể hiện lời thơ - Tăng Tri và Trần Hà Nam- lần lượt trỗi giọng đọc trầm hùng, truyền cảm. Đoạn cuối tiết mục, với điểm nhấn “khảm lên trời bài thơ bất tử”, hai giọng đọc xoắn xuýt hòa vào nhau, sân khấu chuyển động: những “ngôi mộ” đồng loạt ngửa mặt lên trời, âm nhạc dồn lên cao trào, bi tráng… Những người có mặt trong khán phòng càng xúc động bởi sức truyền cảm của tiết mục.
Ở Ngày thơ Việt Nam tại Bình Định năm 2013, với chủ đề “Tổ quốc - Vầng trăng”, các tiết mục trình diễn: chùm 2 bài “Tổ quốc” (Từ Quốc Hoài) và “Tổ quốc nhìn từ biển” (Nguyễn Việt Chiến), chùm 3 bài “Trăng trên thành Hoàng Đế”, “Say trăng” và “Trăng, tôi và Hàn Mặc Tử” (Mai Thìn) cũng tạo hiệu ứng mạnh mẽ cho người xem.
Nhà văn Lê Hoài Lương, tác giả kịch bản và đạo diễn các chương trình trình diễn thơ trong tỉnh, cho biết: “Trình diễn thơ là cách biểu đạt thơ kết hợp với nghệ thuật trình diễn. Đó không chỉ là đọc, ngâm, hát thơ, mà cùng với không gian sân khấu, âm nhạc, ánh sáng, múa, ngôn ngữ hình thể… hợp thành một khối hài hòa, nhằm chuyển tải tốt hơn, sâu hơn hồn bài thơ”. Cũng theo nhà văn, mọi bài thơ đều có thể thể hiện theo phương thức trình diễn, trong đó dạng thơ thiên về tự sự có khả năng biểu đạt cao, khi trình diễn dễ thành công hơn thơ trữ tình.
Nhiều yêu cầu đặt ra
Trình diễn thơ là một trào lưu mới, sau khi “trình làng” loại hình nghệ thuật này nhận được sự quan tâm của công chúng lẫn người trong nghề. Nhà thơ Lệ Thu băn khoăn: “Nếu phần trình diễn tốt, ý nghĩa của bài thơ được tô đậm hơn. Tuy vậy, thơ mang tính đa nghĩa cao, liệu phần trình diễn cụ thể có chuyển tải hết những tầng nghĩa đó?”. Theo nhà thơ Lệ Thu, bên cạnh sự tác động ngay của nghệ thuật trình diễn, vẫn phải đảm bảo tính gợi và ngẫm cho thơ như ở cách tiếp cận thơ truyền thống.
Về phía công chúng, một số người cho rằng hình thức trình diễn thơ còn đơn giản, thiên về minh họa, cần một sự bứt phá, độc đáo hơn. Ý kiến này gặp gỡ với cách nhìn nhận của nhà văn Lê Hoài Lương: “Chúng tôi quan niệm, trình diễn thơ dưới bất kỳ hình thức nào, thơ vẫn là trung tâm, tuyệt đối không lạm dụng, để yếu tố trình diễn “lấn” đối tượng tôn vinh. Thời gian qua, để phục vụ công chúng, gắn với chủ đề cụ thể, chúng tôi chủ trương xây dựng những tiết mục giản dị, thiên về hoạt cảnh, có phần nào đó minh họa ý thơ. Bên cạnh đó, anh em vẫn ấp ủ, mong muốn thỏa sức sáng tạo ở cách thể hiện độc đáo hơn. Đời sống của thơ là ở chỗ có công chúng, chọn lựa một phương thức trình diễn phù hợp với trình độ thưởng thức của công chúng là điều những người tổ chức cần quan tâm, cân nhắc”.
SAO LY