Tiếp sức cho một tâm huyết
Một sân khấu tại TP Quy Nhơn thường xuyên sáng đèn và chuyên biểu diễn những chương trình văn hóa - nghệ thuật về Bình Ðịnh là mong mỏi, trăn trở từ lâu của những người nặng lòng với văn hóa quê hương.
Một sân khấu riêng cho các chương trình về Bình Định
Mong đợi này phần nào được đáp ứng, với sự ra đời của sân khấu Hội quán văn hóa - du lịch, mô hình sân khấu xã hội hóa gần như đầu tiên ở Quy Nhơn. Trong bối cảnh Bình Định đang phát triển mạnh mẽ về du lịch và đô thị của tỉnh thiếu các điểm biểu diễn nghệ thuật, thì đấy là hướng đi cần được “tiếp sức” ở giai đoạn đầu.
Tính từ chương trình đầu tiên vào tối 27.7.2017, đến nay tại sân khấu Hội quán văn hóa - du lịch (02 Phan Đình Phùng, TP Quy Nhơn) đã tổ chức biểu diễn 4 chương trình về văn hóa Bình Định (gồm 2 chương trình về tuồng, bài chòi; 1 chương trình thơ và 1 chương trình giao lưu văn hóa truyền thống giữa 2 tỉnh Nghệ An - Bình Định).
Biểu diễn tuồng (trong ảnh - trích đoạn Đào Tam Xuân đề cờ) tại chương trình đầu tiên ở sân khấu Hội quán văn hóa - du lịch (tối 27.7).
Các chương trình đã được tổ chức trên cơ sở hợp tác, chia sẻ về mặt chi phí tổ chức giữa Hội quán văn hóa - du lịch và các đơn vị phối hợp là Trung tâm Văn hóa tỉnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Lý do ra đời của những chương trình trên, không gì khác ngoài việc các tổ chức liên quan có chung tâm huyết giới thiệu, quảng bá về văn hóa Bình Định. Đồng thời, cùng nhau tạo nên một sân khấu mini, điểm thưởng thức nghệ thuật ở Quy Nhơn, có thể hoạt động hàng tuần hay ít nhất là hàng tháng.
Trong lúc nghệ thuật truyền thống phải đi tìm khán giả (tuồng, bài chòi ở Bình Định cũng không ngoại lệ), mọi đêm diễn đều mong khán giả như trời hạn mong mưa, nói chi thu vé. Vậy nên, mọi khán giả đến sân khấu Hội quán văn hóa - du lịch, dĩ nhiên, được xem miễn phí. Anh Hà Trọng Khoa (38 tuổi), chủ Hội quán văn hóa - du lịch, chia sẻ: “Thuê một phần mặt bằng của Trung tâm Văn hóa tỉnh để mở quán cà phê, tôi đã xác định không chỉ kinh doanh mà phải đóng góp, tạo thêm hoạt động văn hóa trong tỉnh. Bản thân tôi luôn tâm huyết và mong mỏi được chia sẻ, đóng góp tùy theo khả năng của mình cho văn hóa của quê hương Bình Định!”.
Tuy chưa thu hút đông khán giả, lịch trình biểu diễn còn thưa, chưa mang tính định kỳ, song xác định “đầu tư dài hạn” cho sân khấu này, sau 3 chương trình sử dụng dàn âm thanh của Trung tâm Văn hóa tỉnh, Hội quán văn hóa - du lịch đã đầu tư gần 300 triệu đồng sắm hẳn dàn âm thanh và đèn led, quyết duy trì một sân khấu riêng cho các chương trình về văn hóa Bình Định.
Cần sự hưởng ứng từ nghệ sĩ, khán giả
Qua những chương trình đầu tiên, có thể thấy, bên cạnh vấn đề chi phí, trở ngại lớn khiến các đơn vị phối hợp thực hiện chưa dám tổ chức mang tính định kỳ theo tháng, tuần là vì chưa thật sự thu hút đông khán giả. Bên cạnh nguyên nhân khách quan - nghệ thuật truyền thống khó thu hút khán giả, đơn vị tổ chức cũng thừa nhận còn hạn chế trong khâu giới thiệu về chương trình, cần đầu tư hơn về mặt nội dung, sáng tạo về hình thức biểu diễn…
Sân khấu Hội quán văn hóa - du lịch có thể xem là mô hình sân khấu hoạt động theo hình thức xã hội hóa, nhà nước và tư nhân cùng nhau tổ chức những chương trình giới thiệu, quảng bá về nghệ thuật bài chòi, tuồng, qua đó bảo tồn, phát huy di sản, cần được quan tâm, ủng hộ.
Theo anh Khoa, “trung thành” với mục tiêu đã đặt ra, nên dù có ít khán giả, cũng cố gắng tìm hướng cải thiện. “Loại hình hướng đến là 3 di sản đã được công nhận cấp quốc gia của Bình Định (tuồng, bài chòi, võ cổ truyền), bên cạnh đó sẽ mở rộng một số lĩnh vực, như tổ chức Đêm ca khúc về Quy Nhơn, Đêm ca khúc về Bình Định..., chung quy là về văn hóa Bình Định. Trong vai trò phối hợp, sân khấu Hội quán văn hóa - du lịch sẽ cố gắng đáp ứng tối đa về mặt cơ sở vật chất phục vụ việc tổ chức biểu diễn. Song khâu quan trọng nhất quyết định “tuổi thọ” của một chương trình chính là chất lượng nghệ thuật và khán giả, vì vậy, rất mong nhận sự đồng hành của nghệ sĩ, sự quan tâm thưởng thức, “hiến kế” để tổ chức chương trình phong phú hơn, hấp dẫn hơn của cộng đồng, khán giả”, anh Khoa bày tỏ.
SAO LY